Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Ngọt thơm bánh đa Kẻ Sặt

Chế biến từ gạo, cách làm tưởng chừng như đơn giản, nhưng để có được một chiếc bánh đa nướng giòn ngon, người thợ làm bánh đa Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) phải trải qua cả quá trình vất vả và kỳ công.
Bánh được phơi vừa khô thì mang đi nướng trên bếp than. Ảnh: VGP/Việt Hòa.
Bánh đa nướng là đồ ăn chơi bình dị, quen thuộc trong đời sống từ xa xưa. Bánh đa Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) nức tiếng một vùng vì độ ngon, giòn, bùi và thường được người dân nơi đây dùng biếu bạn bè như món quà thắm đượm tình quê hương.
Ông Nguyễn Văn Xuân ở thị trấn Kẻ Sặt bồi hồi nhớ lại, những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi kinh tế còn khó khăn thì bánh đa là món quà quý, người ta chỉ biếu nhau những dịp lễ, tết hay thăm người ốm, người nơi xa.
Ngày ấy, bánh đa chỉ có một loại bánh mặn, tráng hình tròn, nướng giòn bọc giấy báo, xâu bằng chiếc lạt để xách đi.
Ông Xuân kể, có những lần treo bánh đa ở ghi đông xe đạp, đi vào đường xóc, bánh va vào xe, vỡ vụn. Ngày ấy chưa có túi nylon để bọc bánh như bây giờ, nên ông chỉ còn cách dừng lại ăn cho hết cái bánh rồi mới đi tiếp.
Trước kia, những phiên chợ quê vùng Kẻ Sặt bao giờ cũng có những hàng bánh đa nướng xúm xít người mua. Ngày ấy chợ quê không có nhiều thức quà. Bánh đa nướng là món dễ ăn, lành tính, người già, trẻ nhỏ đều thích.
Anh Phạm Văn Khánh ở xã Tráng Liệt, nơi có truyền thống sản xuất bánh đa, cho biết, bố mẹ anh làm bánh đa từ hơn 30 năm trước và chủ yếu mang ra chợ bán. Bánh đem tới chợ là bánh sống, người bán quạt lò và nướng luôn tại chỗ. Hầu như phiên chợ nào mẹ anh ngồi nướng bánh cũng không kịp bán cho khách. Khi hết hàng, ngẩng được đầu lên thì phiên chợ cũng sắp tan.
Bánh đa Kẻ Sặt nổi tiếng vì tráng đều tay, bánh nướng cùng một độ chín, giòn tan trong miệng. Bánh có vị bùi của lạc, vị mặn của muối, vị ngọt bình dị của gạo.
Với những người đã từng sống ở làng quê, ăn miếng bánh đa nướng giòn còn như thấy sống lại cả tuổi thơ với những bữa mong ngóng mẹ về chợ, những lần ốm được ưu tiên ăn quà, những chuyến thăm hỏi với quà tặng đơn sơ, mộc mạc nhưng ấm nồng tình cảm…
Bánh đa Kẻ Sặt nổi tiếng vì tráng đều tay, bánh nướng cùng một độ chín, giòn tan trong miệng. Bánh có vị bùi của lạc, vị mặn của muối, vị ngọt bình dị của gạo. Ảnh: VGP/Việt Hòa.
Tiếp nối nghề của bố mẹ truyền lại, vợ chồng anh Khánh-chị Ngọc hiện có cơ sở sản xuất bánh đa phát triển nhất xã Tráng Liệt. Hơn 20 năm làm nghề, anh chị đã thực hiện nhiều cải tiến trong cách làm bánh đa nhưng vẫn giữ nguyên phương pháp thủ công là làm tất cả bằng tay, chỉ trừ khâu xay bột.
Vừa luôn tay thái lạc, chị Ngọc vừa tâm sự: “Làm thủ công cả nên vất vả lắm. So với trước kia chỉ đỡ được khâu xay bột bằng máy. Còn tráng, phơi, nướng đều phải bằng tay thì bánh mới ngon”.
Ngày nào làm bánh, vợ chồng chị cũng phải thức dậy từ 4 giờ sáng, vo gạo rồi ngâm khoảng một giờ. Sau đó, vớt gạo ra cho ráo nước. Nếu làm bánh ngọt thì cho đường, gấc, lạc, vừng vào trộn đều, xay cùng với gạo. Còn nếu làm bánh mặn thì thay đường bằng một ít muối. Khi gạo thành bột thì tráng bánh bằng tay, rắc lạc lên trên rồi đem phơi nắng.
Đầu giờ chiều, khi bánh vừa khô thì quạt lò nướng bánh.
Chu trình một ngày sản xuất như vậy kéo dài khoảng 14 giờ đồng hồ. 14 giờ để những hạt gạo trở thành chiếc bánh thơm ngon, 14 giờ với biết bao kỳ công và tâm huyết của người làm bánh.
Chu trình sản xuất tưởng chừng đơn giản, nguyên liệu cũng không có gì đặc biệt, nhưng không phải ai cũng cho ra đời được những chiếc bánh đa ngon.
Theo anh Khánh, để bánh ngon trước tiên phải chọn được loại gạo ngon và phù hợp: Gạo phải trắng, già, giòn hạt, nếu nấu thành cơm thì không dẻo quá, không cứng quá, không có sạn, thóc.
Người tráng bánh phải rưới bột, xoa bột đều tay để bánh có độ dày đều. Nếu tráng bánh chỗ mỏng chỗ dày, khi nướng  dễ có chỗ bị cháy, hoặc sống hơn những chỗ khác. Theo đúng tiêu chuẩn làm nghề giỏi, thì những chiếc bánh tráng tay đều giống hệt nhau, bằng nhau cả về trọng lượng.
Anh Khánh tự hào khoe những túi bánh đa nhà anh 10 chiếc như nhau và cân nặng các túi cũng bằng nhau chằn chặn.
Làm ra được chiếc bánh sống đạt chuẩn đã khó, đến khâu phơi và nướng cũng rất quan trọng. Bánh được phơi vừa khô thì mang đi nướng. Khâu nướng phải có hai người làm cùng một lúc, một người nướng bánh, một người cuộn bánh.
Bánh được nướng trên bếp than sao cho chín đều và phải thật nhanh. Khi bánh còn nóng thì rất dẻo, có thể cuộn lại hoặc gấp làm 3, làm 4. Người cuộn bánh cũng phải nhanh tay, vì nếu để quá một phút bánh sẽ cứng lại, không thể cuộn được nữa.
Tốc độ làm của vợ chồng anh Khánh là một phút nướng được 2 chiếc bánh đa. Với tốc độ này, họ phải luôn tay. Bàn tay người thợ khéo léo, nhịp nhàng như đang múa và tác phẩm của họ là những chiếc bánh nóng giòn, sẵn sàng đóng gói để chuyển tới tay người tiêu dùng.
Thị trường của bánh đa Kẻ Sặt cũng được mở rộng so với trước. Nếu như trước kia bánh chủ yếu bán ở chợ và các hàng quán trong huyện, thì nay được đem đi đổ mối và các đầu mối này phân phối bánh tới nhiều địa phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Nghề làm bánh đa Kẻ Sặt đến nay chỉ còn khoảng mươi gia đình theo đuổi và các hộ này đều có của ăn của để nhờ làm nghề. Các gia đình này gắn bó với nghề không chỉ vì mưu sinh, mà còn với mong muốn giữ được một nghề truyền thống của cha ông, giữ được tiếng tăm cho bánh đa Kẻ Sặt, món quà quê dân dã, mộc mạc và thân thương.



Đặc sản tôm khô Vinh Kim đỏ hồng tự nhiên khó nơi nào sánh được

Đó là nhận xét của những du khách từng tận mắt chứng kiến, thưởng thức đặc sản tôm khô đỏ hồng Vinh Kim - một đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh.

   
Đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là thương hiệu độc quyền trên thị trường, đặc sản tôm khô Vinh Kim nổi tiếng bởi được làm từ nguyên liệu tép bạc đất có trong tự nhiên, không dùng phẩm màu và được phơi rất khô. Sản phẩm có màu đỏ hồng, thịt chắc, vị ngọt đậm và thơm mùi đặc trưng.
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 1
Tôm khô Vinh Kim được chế biến qua nhiều công đoạn, sau khi như rửa thật sạch, tôm sẽ được phân loại theo từng kích cỡ, luộc sơ qua nước nóng, ướp muối, phơi khô 2-3 ngày và tách vỏ.
Bà Trần Thị Khâm (ngụ ở ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) – một trong những hộ có kinh nghiệm lâu năm làm đặc sản tôm khô chia sẻ: “Không dám nói các nơi khác có không nhưng ở Trà Vinh thì chỉ có xã Vĩnh Kim làm tôm khô từ 100% tép nguyên liệu tự nhiên ngoài thiên nhiên, không phải tép nuôi”.
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 2
Xã Vinh Kim nằm ở giữa 2 con sông lớn Cổ Chiên và Cung Hầu nên có điều kiện tự nhiên thích hợp với loài tép bạc đất sinh sản và phát triển tự nhiên trên sông, đồng ruộng.
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 3
Sản phẩm có màu đỏ hồng, thịt chắc, vị ngọt đậm và thơm mùi đặc trưng. Hiện sản phẩm tôm khô này có giá bán ra cao so với mặt hàng cùng loại
Theo tìm hiểu Dân Việt, trong quá trình làm khô, người dân chỉ bỏ vào một lượng muối cho vừa ăn. Đặc điểm của đặc sản tôm khô Vinh Kim là phơi rất khô nên sản phẩm có thể để lâu nhưng không hư.
Do nguồn tép tự nhiên (nguyên liệu làm tôm khô) ngày càng ít (môi trường ô nhiễm, điều kiện sinh thái thay đổi) nên số hộ làm tôm khô ngày càng ít đi. Hiện xã Vinh Kim chỉ còn vài hộ làm từ 30-40kg tôm khô/ngày (10kg tép tươi làm ra được 1kg tôm khô). Sản phẩm làm ra không đủ bán, vì vậy khách muốn mua thường phải đặt hàng trước.
Tôm khô đỏ hồng Vinh Kim được bán với giá khá cao. Cụ thể, mỗi kg tôm khô có giá 1,3 triệu đồng đối với loại 1, 1 triệu đồng đối với loại 2 và 800.000 đồng đối với loại 3.
Ngon Sạch Lạ xin gửi đến bạn đọc vài hình ảnh về tôm khô Vinh Kim:
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 4
Tôm khô đang chờ được tách vỏ
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 5
Thông thường, tôm khô được phơi sấy khô đến mấy khi gặp khí hậu ẩm vẫn có thể bị ngấm nước nhưng tôm khô Vinh Kim vẫn khô ráo, không đổi màu, không mất mùi
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 6
 Tôm khô Vinh Kim là đặc sản nổi tiếng ở Trà Vinh, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là thương hiệu độc quyền trên thị trường
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 7
dac san tom kho vinh kim do hong tu nhien kho noi nao sanh duoc hinh anh 8
Tôm khô Vinh Kim có tiếng hơn 30 năm qua, sản phẩm được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, chọn mua để làm quà biếu, nhất là dịp lễ, Tết.



Bò một nắng và muối kiến vàng độc đáo ở Gia Lai

Những sợi thịt bò một nắng thơm, ngọt và dai chấm cùng thứ muối kiến vàng với vị chua độc đáo đã làm nên thương hiệu cho món ăn này ở vùng đất Gia Lai.

Một món ăn mà nhắc đến Gia Lai, mọi người thường nhớ đến là bò một nắng chấm cùng với muối kiến vàng, loại gia vị độc đáo làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Để làm món bò một nắng này không quá cầu kỳ nhưng phải chọn được loại thịt bò ngon. Đó là loại được chăn thả tự nhiên trên các cánh đồng, thịt săn chắc.
Thịt được thái thành từng miếng to cỡ bằng bàn tay rồi tẩm ướp gia vị. Đây là khâu quan trọng quyết định đến độ ngon của thịt bò vì nếu đậm hay nhạt quá khi nướng sẽ không ngon và không bảo quản được lâu. Gia vị để ướp thịt bò gồm một chút đường, muối, bột nêm và không thể thiếu được ớt giã nhuyễn.
Bò một nắng chấm cùng loại muối kiến vàng độc đáo. Ảnh: vivumuasam
Bò một nắng chấm cùng loại muối kiến vàng độc đáo. Ảnh: vivumuasam
Miếng thịt sau khi tẩm ướp khoảng một tiếng sẽ ngấm gia vị đem phơi nắng trong vòng một ngày để các thớ thịt se lại, tạo thành màu nâu đỏ hấp dẫn.
Khi ăn, bạn chỉ cần lấy từng miếng thịt đã được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh cho lên bếp than hồng nướng đến khi rám vàng hai mặt. Khâu nướng thịt bò phải rất khéo léo để thịt không quá cháy, vẫn giữ được độ ngọt, dai và không bị khô.
Món ăn này sẽ tròn vị nếu bạn chấm cùng với muối được chế biến từ loại kiến vàng sống trên cây rừng hay ở các vườn. Sau khi lấy được tổ kiến, người ta đem trụng qua nước ấm cho sạch rồi rang sơ trong chảo, sau đó thêm một chút gia vị như muối, ớt vào giã nhuyễn cùng lá then len, một loại lá rừng.
Nhấm nháp một miếng thịt bò cùng với muối kiến vàng, cảm nhận vị thơm, ngọt của thịt bò quyện cùng vị chua đặc trưng của muối, khiến bạn muốn ăn mãi không thôi. Bạn cũng có thể mua về làm quà tặng bạn bè, người thân, giá một kg thịt bò khoảng 500.000 đồng.




Long An, mùa lạp xưởng tươi

Cũng là một người bạn miền Tây nhắn nhe "đi một vòng miền Tây gần gần trong ngày đi, ngoài bông, ngoài hoa còn nhiều điều thú vị lắm". Cuối tuần chúng tôi lại xách ba lô lên đường.
Trên cung đường chúng tôi đi, từ quốc lộ 50 rẽ về các hướng Cần Giuộc, Cần Đước (Long An), qua khỏi ngã ba Tân Kim chừng 2 km và ngã ba Trị Yên chừng 500 m, trước khi tới cầu Cần Giuộc trước mắt đã chập chờn một màu đỏ ánh lên trong nắng. 
 Long  An, mùa lạp xưởng tươi
Những xâu lạp xưởng đong đưa trong nắng. Ảnh: Trân Duy
 .
Không phải màu của hoa mồng gà hay trạng nguyên mà là màu đỏ bóng lưỡng của những xâu lạp xưởng tươi treo lủng lẳng. Không phải lạp xưởng thân ốm và dài vẫn thường bày bán trong các hộp gói bắt mắt ở các chợ sang Sài Gòn, mà là loại ngắn, mình to mập…
"Đặc sản lạp xưởng Cần Giuộc Long An đó, ngày xưa chỉ có trong bếp nhà do quý bà khéo tay làm. Giờ mới bắt đầu được sản xuất đại trà để bày bán tại các chợ, các cung đường du lịch phương Nam...”, một người dân địa phương "quảng cáo".
Ghé nhà chị bạn quen, chị giải thích thêm lạp xưởng tươi là tên gọi chung, chứ thực ra mỗi vùng mỗi vị, mỗi lò mỗi bí quyết. Như khác với lạp xưởng Cần Giuộc, lạp xưởng Cần Đước lại thiên về vị chua chua ngọt ngọt, ai không quen mới ăn cứ tưởng bị "ê". Nhưng biết ăn sẽ ghiền luôn cái vụ chua ngọt hậu đó.
Cũng khó nói lạp xưởng ở đâu ngon nhất, mỗi vùng miền đều có tinh hoa đất trời, có nghệ nhân với bàn tay khối óc. Như Cần Giuộc đó, lạp xưởng đâu chỉ làm làm từ thịt heo mà còn tôm đất nữa. Còn cách làm thì cũng như nhau, cứ má truyền cho con, coi nhau làm rồi tùy nghi mà chế biến.
Như nhà chị, cứ gần tết là đi "dặn" thịt. Để có món lạp xưởng ngon thì phải chọn những miếng thịt nạc, thịt còn tươi nóng, đem về xay rồi ướp với rượu (rượu trắng ngâm với nhiều vị thuốc tạo mùi, cái này cũng theo bí quyết riêng của mỗi nhà). Rồi tỏi, đường, tiêu hột...
Riêng mỡ cũng xắt nhỏ cỡ hạt lựu ướp đường cùng gia vị, cho đến lúc mỡ có độ trong mới đem trộn với thịt… Lạp xưởng tươi phải không nhiều mỡ mới ngon, nướng hay hấp ăn phải có cảm giác như ăn một miếng thịt tươi, vị hơi mặn mặn, ngọt ngọt hòa lẫn với mùi tiêu thơm nồng, béo béo cay cay.
Còn lạp xưởng tôm thì nguyên liệu chính là thịt con tôm đất, khi làm cứ theo tỷ lệ tôm 60%, thịt và mỡ 20%. Loại này con nít ăn tốt, với người lớn kiêng mỡ cũng tốt.
Với lạp xưởng tôm dân nhậu hay lấy nướng trên bếp than hay lăn với nước dừa rồi chiên. Còn luộc thì cứ cho nước, hay nước dừa vào xâm xấp nồi, canh lửa nhỏ rồi dùng đũa trở đều, cho đến khi cạn nước thì mấy khúc lạp xưởng cũng chín bóng tròn căng, ăn rất "đã".
Nhiều ông cầu kỳ, lạp xưởng tôm phải để ít ngày ra ngoài cho lên men, khi đó sẽ có hương vị như nem chua, chiên lên lại có thêm cái ngọt béo của thịt nạc, ăn ít ngán mà nhắm rượu rất bắt... 
 Long  An, mùa lạp xưởng tươi
Con đường lạp xưởng ở Cần Đước, Long An. Ảnh: Trân Duy.
Khác với lạp xưởng tươi mùa tết, đi quanh mấy khu cầu phà hay có các tiệm treo bán một loại lạp xưởng nhìn cũng na ná nhưng với giá khá bình dân mà dân buôn hay gọi là “lạp xưởng thị trường”.
Dân địa phương chân chất bảo lạp xưởng này lấy mối thịt từ các sạp bán ở chợ, họ tận dụng nguồn thịt dư không bán hết trong ngày xay bằm tẩm ướp ra thành lạp xưởng. Lạp xưởng này "treo bán quanh năm, khách ham rẻ mua về làm quà hay cho mấy ông nhậu chứ tình thiệt là nó y chang ba cái lạp xưởng bán trong mấy tiệm cơm dành cho giới cần ăn no hơn là ăn ngon".
Một vài chủ hàng lởi xởi còn nói rõ "công thức lạp xưởng chợ thường pha trộn 4 thịt 6 mỡ. Cứ trộn đều rồi xay nhuyễn, tẩm ướp thêm gia vị vô. Giá rẻ theo kiểu tiền nào thì vốn đó. Còn lạp xưởng tươi chánh hiệu thì phải đến mùa tết".
Mùa này nắng ráo, mà lạp xưởng làm theo lối thủ công thì phải tận dụng nguồn nắng sạch tự nhiên để làm khô, một phần trong quá trình lên men của cây lạp xưởng ngon.
Cây lạp xưởng tươi đúng chuẩn bếp nhà là khi còn tươi nhìn phải khô mặt, thân lốm đốm một ít mỡ trắng, nhưng không được lộ nhiều, nhìn thân có màu đỏ hơi sẫm tự nhiên không như lạp xưởng nhuộm phẩm hay sử dụng muối diêm có màu đỏ tươi rực từ cọng dây cho đến tổng thể.
Sau khi chiên xào, hấp nướng, mấy hạt mỡ xắt sẽ tan ngấm vào thịt nên khi cắt lát sẽ không còn thấy mỡ, mặt thịt khô và liền lạc với nhau, chín rồi màu thịt vẫn ửng hồng.
Dân sành ăn, khi ăn lạp xưởng tươi là biết liền. Mới cắn có cảm giác hơi bị cứng, nhưng càng nhai trong miệng càng cảm thấy thịt mềm và tiết ra vị ngọt của thịt mỡ, vị chua nhẹ của thịt lên men và thoang thoảng vị nhẹ của rượu, gia vị tẩm.
Riêng cái vụ gia vị khó nói lắm. Mỗi mùi là mùi riêng của từng lò nhà sản xuất, nôm na là chủ bếp, nhưng theo dân phương Nam, luôn phải để lại một vị ngọt hậu, cái ngọt trường phái và ấn tượng. 
 Long  An, mùa lạp xưởng tươi
Lạp xưởng tươi Long An căng tròn, mập mạp nhìn rất ngon mắt. Ảnh: Trân Duy.
Công phu là vậy, nên lạp xưởng tươi mùa tết miền Tây có cái giá mắc hơn một chút. Rồi nói theo thành ngữ bây giờ, ngoài chuẩn mực, còn phải đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chưa kể sản phẩm phải có đóng gói bao bì đẹp mắt, để có thể "dụ" người mua mở hầu bao mang về làm quà tặng cho người thân hay bạn bè. Để lan truyền thêm danh tiếng gần xa...



Lịch sử thú vị về pho mát

Lịch sử thú vị về pho mát

Pho mát là món ăn khó thiếu đối với nền ẩm thực hiện đại, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Vậy pho mát được sản xuất đầu tiên vào thời gian nào và ở quốc gia nào, ai là người đã phát triển loại thực phẩm thơm ngon, béo ngậy này. Cùng Emdep.vn lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lịch sử phát triển của pho mát nhé.
Lịch sử thú vị về pho mát



Sâu tre, món lạ vùng cao

Ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế), sâu tre được xem là đặc sản lạ, hiếm người biết. Chỉ những cao niên trong làng mới có kinh nghiệm bắt con vật này chế biến thành món ngon đãi khách.
Đĩa sâu tre xào thơm ngon
Đặc sản
Giữa tháng 10 âm lịch, chúng tôi may mắn được thưởng thức bữa ăn đặc biệt của người Pa Kô. Như lời hứa cho khách thưởng thức món ăn lạ, bà con nơi đây quyết tìm một thứ “đặc sản” có từ xa xưa, họ thường gọi là sâu tre.

Bác sĩ Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới cho biết: "Sâu tre hay còn gọi là sùng tre, là con vật được một số bà con vùng cao A Lưới hay bắt về chế biến các món ăn. Loài sâu tre này có hàm lượng đạm cao, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe".
Bá Trí (ghi)
Mâm cơm được dọn ra, bên cạnh những nắm bột sắn được hấp chín và ốc núi chiên là đĩa sâu tre xào và tô canh sâu tre nấu thơm. Sâu có màu trắng, kích thước nhỏ hơn đầu đũa, hao hao giống nhộng nhưng hình dáng nhỏ hơn, được chế biến khá bắt mắt. Thấy chúng tôi ái ngại, bà Ka Dư (60 tuổi), người chế biến món ăn này cười bảo: “Thử một lần rồi sẽ thấy ngon. Những vị khách đến đây ban đầu nhìn ai cũng sợ, nhưng ăn rồi sẽ nghiền. Người ta nói con sâu làm rầu nồi canh chứ ở đây là con sâu làm giàu nồi canh”.
Đặt đũa dùng thử món “đặc sản” vùng cao, chúng tôi cảm nhận được vị béo của sâu hòa lẫn trong cách chế biến, nêm nếm gia vị của người Pa Kô. Bà Ka Dư bảo, sâu tre được chế biến theo hai kiểu, một là sau khi bắt về đem phơi khô trước khi chế biến, hoặc luộc sơ qua để sâu cứng lại trước khi nấu món ăn nào đó. Cách làm này làm cho sâu giữ được chất ngon. Ngoài ra, từ loại sâu chỉ có ở miền núi này, có thể chế biến ra hàng chục món ăn khác nhau như xào, chiên, băm chả,… mà những người dân ở A Lưới thường giới thiệu đó thứ đặc sản vùng cao lạ mắt nhưng không kém phần dinh dưỡng.
Già làng Hồ Văn Hạnh (xã Hồng Trung) chia sẻ, sâu tre là món ăn đặc biệt của người miền núi. Ngày trước, lúc kiếm cái ăn khó khăn, thế hệ những người xưa đã biết cách tìm ra món sâu tre để dùng bữa. Khi cuộc sống khá lên, món ăn sâu tre dần quên lãng, bởi lớp trẻ không có kinh nghiệm bắt con vật này. Mặt khác, để có đĩa sâu tre xào như ở mâm cơm, cũng phải dụng công từ khâu bắt đến khâu chế biến, có khi phải hơn cả ngày liền mới có được món sâu tre dùng trong bữa cơm. “Ngày nay, chúng tôi dùng món sâu tre đãi khách hoặc lâu lâu ăn để nhớ lại thứ ẩm thực đặc biệt của ngày xưa. Rất hiếm nên có khi đặt tiền trước chúng tôi cũng không có để bán cho khách thưởng thức”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Kinh nghiệm bắt sâu tre
Mâm cơm ở vùng cao có đĩa sâu tre xào
Dẫn chúng tôi đến những lùm tre um tùm của núi rừng A Lưới, ông Phạm Thái Xuân (83 tuổi) bắt đầu hành trình tìm sâu tre. Vừa làm, ông vừa bảo, thật kinh nghiệm mới phát hiện cây tre nào có loại sâu này để bắt. Lớp người xưa từng một thời dùng sâu tre để sống qua bữa nên nhìn là có thể biết ngay nhưng với lớp trẻ ngày nay, họ thường chặt theo kiểu cầu may.
Sâu tre sống trong thân những cây tre non, chỉ xuất hiện từ tháng 10-12 âm lịch. Muốn tìm loại sâu này, người dân phải dựa vào những lỗ nhỏ trên thân tre, rồi nhìn sang lá, măng để xác định. Sâu tre là loại khó kiếm, nếu chỉ nhìn một bộ phận của cây tre, khả năng bổ ra sẽ không có sâu ở trong đó. Nhưng nếu tìm đúng, trung bình mỗi lóng tre sẽ cho đến cả đĩa sâu. Ông Xuân nhấn mạnh, người tìm sâu không cần chặt cả cây tre mà chỉ tìm những đốt tre có dấu hiệu sâu sống trong đó.
Những năm gần đây, loại sâu này ít xuất hiện trên những lùm tre ở A Lưới, cũng vì lẽ đó những món ăn từ sâu tre dần ít được người dân, ngay các gia đình sống tại vùng cao này biết đến. Ông Xuân tâm sự, ngay trên cây tre, cũng có nhiều loại sâu, nhưng chỉ loại sâu trong thân tre ăn mới ngon và nhiều chất dinh dưỡng. “Đây là món ăn thời ông cha để lại, không ai bán ngoài thị trường và cũng không phải năm nào cũng có. Đĩa sâu tre như là thứ đặc sản mà thiên nhiên ban tặng. Người tìm sâu luôn nhớ một điều, tìm sâu nhưng không phá tre. Chính khó khăn khi bắt nên lúc ăn càng thấy món ăn này ngon hơn”, ông Xuân khẳng định.
Ký ức của món sâu tre đối với những bậc cao niên ở bản làng A Lưới khá gần gũi. Cho đến ngày nay, họ lại có những kỷ niệm mới bên món ăn đặc sản này là những lần tiếp khách từ miền xuôi lên muốn tìm hiểu văn hóa vùng cao. Và như lời họ nói, món ăn này khiến chúng tôi nhớ mãi trên đường về bởi vị ngon đặc biệt và vô cùng khó kiếm.



Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Dông Cát Phan Rang


Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng với gió và cát nhưng chính khí hậu khắc nghiệt thừa nắng ít mưa đã sản sinh ra rất nhiều món ăn ngon, lạ và độc đáo.
Trong đó, không thể không nhắc đến các món ăn ngon được chế biến từ con Dông cát, đặc sản hấp dẫn đã níu hồn biết bao lữ khách quay lại mảnh đất gió cát này. Với đặc điểm địa hình có nhiều đồi cát chạy dọc ven biển nên Ninh Thuận được ví như “thiên đường” của loài Dông. Trước đây thịt Dông chỉ là món ăn của người dân quê, người dân vùng đất cát này hay bắt con Dông về nấu canh dưa hồng hoặc nướng mọi. Tuy nhiên hiện nay con Dông cát đã trở thành đặc sản nổi tiếng và được nhiều người ưa thích tại các nhà hàng, quán ăn ở Ninh Thuận và các tỉnh, thành trong cả nước.
Dông có thể chế biến thành 7 món ăn rất sành điệu: Dông nướng muối ớt, Dông roti, Dông bằm xúc bánh đa, chả Dông, gỏi Dông, Dông cát nấu cháo tiêu, Dông nướng lá lốt, chắc chắn món nào cũng sẽ làm thực khách khó quên. Thịt Dông trắng như thịt gà, mà lại ngọt, bùi và mềm hơn. Xương rất mềm, gần như là sụn. Còn da thì giòn sừng sựt. Tuy nhiên khi chế biến người ta thường lột vứt bỏ vì trông không bắt mắt. Dông nướng là món dễ chế biến nhất đồng thời có hương vị dễ thưởng thức hơn cả.
Trước tiên phải chọn những con mập, có kích thước của Dông trưởng thành, vì nếu lựa những con nhỏ quá thì thịt Dông sẽ rất bở, không ngon. Dông sau khi làm sạch da được ướp với muối ớt, sa tế khoảng 15 phút rồi đem nướng trên than hồng đến khi thịt săn lại, hơi ngả màu vàng, tỏa hương thơm ngào ngạt là Dông đã chín.. Trong giai đoạn nướng phải chú ý trở đều, không để thịt dông bị cháy khét. Dông nướng có thể ăn với bánh tráng nướng hoặc ăn với rau sống, bún và bánh tráng cuốn. Cho Dông vào bánh tráng, cho thêm tí bún, rau sống cuốn lại rồi chấm nước mắm me thì không gì bằng.
Gỏi Dông cũng là món ăn được du khách ưa chuộng không kém. Để làm gỏi, Dông để nguyên xương được bằm nhỏ, xào chín và trộn với cóc hoặc xoài xắt chỉ, rau thơm, đậu phụng rang dòn, nước mắm pha và đặc biệt phải có lá xào Dông, một thứ lá trông giống lá chùm ruột non, sống trên vách đá vùng khô hạn, mùi thơm thoảng vị chát. Gỏi Dông ăn kèm với bánh tráng nướng, thứ bánh tráng dày, nhiều mè, nướng vàng rụm, xúc mãi không chán. Chả Dông cũng dùng thịt Dông bằm nhuyễn rồi giã cùng nhiều loại gia vị như: ớt, hành, tiêu, tỏi, mỡ heo, dầu ăn. Sau đó, người ta còn trộn thêm một ít nấm mèo và bách thảo đã cắt nhỏ, dùng bánh tráng mỏng cuốn hỗn hợp này thành nhiều cuốn bằng ngón tay rồi bỏ vào chảo dầu chiên giòn. Chả Dông dùng làm mồi nhậu ngon mà làm món ăn với cơm cũng rất hấp dẫn.
Sau cuộc nhậu, người sành ăn sẽ thưởng thức thêm chén cháo Dông nóng hổi giúp chống cảm và bồi bổ cơ thể rất tốt. Cách chế biến cháo Dông cũng rất đơn giản, thịt Dông sẽ được giã nhuyễn, thường được lấy ra từ thịt làm chả. Trước khi nấu cháo, thịt Dông cũng được xào qua với dầu ăn rồi đun sôi. Gạo để nấu cháo cũng phải chọn loại gạo thơm, ngâm sơ với nước lã rồi đổ vào nồi nước thịt sôi, nêm mắm muối, mì chính, hành tiêu cho vừa vặn là đã có nồi cháo ấm áp thơm ngon đậm đà.
Vào chiều tối trăng thanh, gió mát cùng bạn bè, người thân nhâm nhi và thưởng thức các món đặc sản từ con Dông cát vừa giòn, vừa ngon thêm một hớp bia cay nồng đậm đà làm sao.