Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Sam biển nướng - đặc sản nổi tiếng Cát Bà

Đảo Cát Bà cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, được thiên nhiên ưu ái ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh cùng nguồn hải sản phong phú. Một trong những sản vật biển được yêu thích ở đây là sam biển. Với nguồn gốc tự nhiên, sam ở Cát Bà luôn được đảm bảo độ tươi và trở thành món ngon không thể bỏ qua khi du lịch đến đây trong những ngày hè sắp tới.
con-sam-bien-7192-1428727923.jpg
Sam thường đi theo đôi nên đã tìm thấy là bắt được cả hai con một lúc. Ảnh:skyscrapercity.com
Sam có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính độ gang tay. Sam cái thường nặng chừng 1 kg, sam đực chỉ nặng khoảng 5 lạng. Để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi.
Sam được chế biến thành rất nhiều món ngon, phổ biến là súp, gỏi, xào sả ớt, chua ngọt, miến, cháo... nhưng hấp dẫn và được nhiều thực khách ưa chuộng nhất là món sam nướng. Đặc biệt, những con sam cái khi vào mùa sinh sản thường mang bụng trứng to, giàu đạm nên khi nướng lên trở thành món ngon khó quên.
sam-anh-dlmh-5884-1428727925.jpg
Trứng sam béo, thơm, nhiều đạm và rất bổ dưỡng. Ảnh: diadiemanuong
Thường người ta vứt bỏ sam đực bởi ít thịt, chỉ bắt sam cái. Sam sơ chế khá kỳ công và hết sức cẩn thận. Người đầu bếp phải cắt tiết sao cho thành tia để thịt sam giữ nguyên mùi vị tự nhiên. Toàn bộ phần vây, gan, ruột được lọc bỏ. Phần thân dưới của sam được tách ra nướng riêng, còn phần trứng thì sẽ được ướp mỡ hành, gia vị và đậu phộng, sau đó để nguyên phần mai có trứng lên bếp than để nướng.
Sau khi tẩm ướp sam với các gia vị cho ngấm rồi đặt lên vỉ nướng, trở đều cho tới khi mình sam chín vàng, dậy mùi thơm là có thể thưởng thức. Người ta thường ăn kèm sam nướng với bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm dấm, rau thơm, đậu phộng rang giã nát, nước mắm tỏi, ớt, hành phi...
tin247-5544-1428727925.jpg
Tuy là món đặc sản nhưng các món ăn chế biến từ sam biển vừa vất vả, vừa công phu và phải hết sức cẩn thận nếu không rất dễ bị ngộ độc, dị ứng nên bạn cần chọn nhà hàng uy tín để thưởng thức. Ảnh: Tin247.com
Vào mùa sam sinh sản (từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch), số lượng nhà hàng bán các món từ sam nhiều hơn những thời điểm khác trong năm. Bạn có thể tới dãy nhà hàng nằm trên đường 1/4 hoặc Núi Ngọc trong thị trấn để thưởng thức.

Thạch găng, quà vặt thanh mát từ đất Cảng

Những miếng thạch mềm mượt, xanh mướt, ăn cùng nước đường ngọt dịu như tan chảy nơi đầu lưỡi, thường được xem là món giải khát lý tưởng trong mùa hè.
Với người Hải Phòng, thạch găng là quà vặt thường mang nhiều kỷ niệm ấu thơ. Ưu điểm là giá cả phải chăng, hương vị ngon ngọt, thơm mát, giúp giải khát ngày hè. Từ khi đến Hà Nội, món này chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ thủ đô.
Găng rừng vốn là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường ở các vùng trung du phía Bắc. Nhiều nơi ở vùng quê hay trồng thành hàng rào tự nhiên. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
thachgang-JPG-3352-1429075806.jpg
Chè thạch găng, món ăn thanh mát lý tưởng trong ngày hè. Ảnh: Anh Phương.
Theo kiểu truyền thống, lá găng rừng được đem phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lưu ý quan trọng là phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.
Những nguyên liệu này tiếp tục được tráng qua nước lọc, để ráo, chuyển vào rá, vò nát và đổ nước sôi, vắt kiệt đến khi hết chất trong lá. Nhiều người thường bỏ thêm chút vôi cho thạch cứng hơn.
Công đoạn vò lá cũng phải rất nhanh tay, chỉ chừng 10 - 15 phút. Quá thời gian này, thạch sẽ bị đông mà chưa kịp lọc. Sau khi lọc xong, bạn chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức.
Thạch găng có màu xanh rêu lóng lánh, mềm mịn, trơn tuột khi chạm vào lưỡi. Hương vị đặc trưng hơi chát nhưng thường được ăn kèm nước đường ngọt dịu, tác dụng giải nhiệt rất tốt.
thachgang1-8081-1429075806.jpg
Thạch găng được làm thành hình những bông hoa bắt mắt. Ảnh: Agriviet.
Ở Hà Nội, nhiều quán thường cho thêm trân châu hay thạch đen để làm phong phú món ăn. Một số nơi còn ăn cùng nha đam cắt khúc hoặc rót thêm giọt dầu chuối.
Bạn có thể ghé quán Chè Gỗ trên phố Trần Phú hoặc một vài quán ăn mang hương vị Hải Phòng để thưởng thức món này. Giá trung bình 10.000-20.000 đồng mỗi cốc.

Món ngon từ cá tà ma, mặt quỷ

Cá mặt quỷ với vẻ ngoài kỳ dị, dữ tợn hay cá tà ma tinh khôn, mình dẹt là hải sản hiếm, ngon, lạ của biển cả, được nhiều thực khách sành ăn ưa chuộng.
Dưới đây là những loài cá có vẻ ngoài xấu xí nhưng khi chế biến lại thành nhiều món ngon, hấp dẫn.
Cá mặt quỷ
Là loài sống ở những vùng nước nông dọc bờ biển, cá mặt quỷ có vẻ ngoài xấu xí, đáng sợ. Cá có 13 tia vây lưng chứa độc tố nên có thể đoạt mạng loài khác nhanh chóng. Thậm chí, độc tố này có thể tồn tại nhiều ngày sau khi cá chết. Tuy nhiên, nếu được chế biến đúng cách, đây là món ăn rất lạ và ngon bởi thớ thịt cá chắc, trong, vị giòn, ngọt, giàu chất dinh dưỡng.
ca_1429254230.jpg
Cá mặt quỷ trông rất dữ tợn, được gọi là quái vật đại dương. Ảnh:wikipedia
Cá mặt quỷ có thể chế biến thành nhiều món ăn với nhiều cách tẩm ướp, chế biến riêng nhưng thường hấp để giữ nguyên được hương vị đặc trưng. Đầu tiên, phải lọc hết lớp da sần sùi bên ngoài, dùng dao tách lớp thịt cá, đem thái thành thớ mỏng, ướp gia vị rồi hấp. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận miếng thịt cá trong, vị chắc, dai, ngọt.
Loài cá này thường xuất hiện nhiều ở các vùng biển như Quảng Ninh, Nha Trang... Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một số nhà hàng phục vụ món cá mặt quỷ với giá từ 700.000 đồng đến 1,6 triệu đồng một kg.
Cá tà ma
Loài cá này có vảy màu nâu đen, thân dẹt, trông giống như cá rô phi nhưng to hơn. Chúng sống ở các gành đá, rất lanh lợi nên khó đánh bắt.
Người dân biển thường chế biến cá tà mà thành món nướng, hay nấu canh hẹ, canh chua, cháo, lẩu... Các món từ loài cá này rất "ăn" khách bởi thịt rất trắng, tươi, không tanh, vị dai và ngọt.
tama-1233-1429256194.jpg
Cá tà ma nướng giữ được hương vị đặc trưng. Ảnh: dulichnhatrang
Trong số đó, dễ ăn hơn cả là cá nấu canh chua dùng kèm với cơm nóng và một chén nước mắm cốt. Cá được nấu cùng me, dứa, ớt và các loại gia vị tạo nên một bát canh chua tỏa mùi thơm dịu.
Cá này thường có ở biển Nha Trang hay đảo Lý Sơn, Quy Nhơn, giá khoảng 200.000 đồng một kg. Người dân biển xem đây là món đặc sản để đãi khách đường xa.
Cá tắc kè
Cá tắc kè sống sát đáy nước ở khá xa bờ, thế nên không dễ dàng đánh bắt. Cá có phần đầu màu đỏ, vây và đuôi dài.
ca-tac-ke-4233-1429171612.jpg
Vây hai bên của cá tắc kè rất dài, dễ phân biệt với các loại cá khác. Ảnh: dulichnhatrang
Thường người ta hay chế biến cá thành các món đơn giản là nướng và hấp, không cho thêm gia vị gì vì sợ làm mất mùi đặc trưng của cá.
Khi ăn phải chọn những con còn tươi, có màu đỏ đậm, thịt săn cứng, chỉ cần rửa sạch rồi cho vào vỉ nướng mà không cần phải mổ ruột, moi mang. Khi chín, lớp da cá sẽ chuyển sang màu nâu đen, chảy mỡ. Bạn chỉ cần bóc lớp vỏ, ăn phần thịt trắng bên trong, chấm cùng với muối ớt để cảm nhận vị thơm thơm, dai dai, ngọt như thịt gà.
Cá này không phải vùng biển nào cũng có, và thường xuất hiện ở biển Nha Trang, Ninh Thuận, bán với giá khoảng 150.000 đồng một kg.
Anh Phương

Vòng quanh thế giới qua các vị kem đặc trưng

Vòng quanh thế giới qua các vị kem đặc trưng

Cháo nhum - đặc sản của biển Nha Trang

Nhum hay cầu gai, nhím biển, là loài nhuyễn thể với hình dáng xù xì, nhiều gai nhọn, thường sống ở các vùng biển đầy rong rêu hay san hô. Bắt được nhum biển rất kỳ công, ngư dân phải chọn những gành đá, dùng móc sắt cời ra nếu không sẽ bị gai đâm, gây nhức buốt.
Nhờ vị thơm ngon và khác lạ sau khi chế biến thành nhiều món, nhum trở thành đặc sản của biển Nha Trang, thường dùng để đãi khách. 
chaocaugai_1429158028.jpg
Cháo cầu gai ngon bổ dưỡng là món ăn nhiều người tìm kiếm khi đến Nha Trang. Ảnh: Huấn Phan
Một số món đặc trưng từ loài sinh vật biển này là nhum ăn sống với mù tạt, nướng mỡ hành, trộn trứng hấp cách thủy, kho ăn với cơm nóng. Loại đơn giản nhưng vẫn ngon phải kể đến cháo nhum.
Món này có hương vị không giống bất kỳ loại cháo nào khác, rất thích hợp ăn vào ban đêm. Tuy nhiên, chỉ những con nhum còn tươi mới đem lại nồi cháo thơm ngon và đậm đà.
Nhum sau khi vớt từ biển được rửa sạch rồi dùng kéo tách đôi. Sát lớp vỏ nhum là những múi thịt màu vàng tươi hấp dẫn. Người chế biến khéo léo dùng thìa gỡ lấy thịt, ướp gia vị rồi phi cùng hành mỡ, cho vào nồi cháo nóng một vài phút. Khi thưởng thức, đầu bếp thêm chút rau mùi tàu thái nhỏ, hành lá, nước mắm nhĩ khiến bát cháo nhum rực mùi thơm quyến rũ.
1970643-792817910730322-2068533038-n_142
Nhum có nhiều ở các vùng biển Ninh Thuận, Phú Quốc và đặc biệt ở vùng biển Nha Trang. Ảnh: Phương Nam
Người Nha Trang rất tự hào về món này bởi vị ngọt thanh, ăn vào nhanh hồi phục sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa. Bát cháo thơm ngon với hạt gạo trắng bung nhuyễn, quyện màu vàng của nhum biển, sắc xanh từ hành lá thường khiến thực khách nhớ mãi.
Bạn có thể thưởng thức món cháo nhum ở các quán hải sản trong thành phố Nha Trang như ở đường Tháp Bà, Nguyễn Tất Thành, Hai Tháng Tư... Giá một bát khoảng 40.000 - 50.000 đồng.

Những món chè du nhập giải nhiệt ngày nắng ở Hà Nội

Panna cotta đậm chất Italy hay bobochacha của Singapore... là những món chè được số đông thực khách ưa chuộng vào ngày đầu hè nóng nực.
Bạn có thể cùng gia đình hoặc bạn bè đến những địa điểm dưới đây để thưởng thức món chè hấp dẫn với giá cả phải chăng. 
Chè Pudding, Panna Cotta
Quán chè nằm ngay trên mặt phố Tô Hiến Thành, rộng rãi, dễ tìm, là địa chỉ quen thuộc của giới trẻ mỗi mùa hè đến. Quán nhìn sạch sẽ và thực đơn phong phú, gồm các món thanh mát như chè khúc bạch, chè rong biển, cendol hoa quả (chè đặc trưng Indonesia), sữa chua mít... Trong số đó, hai món được gọi nhiều nhất là Panna Cotta và chè Pudding.
chepanna-5933-1429242274.jpg
Chè Panna Cotta với hương vị dâu và cách trang trí hấp dẫn. Ảnh: Đức Trần
Panna Cotta là món chè mang đậm phong vị Italy. Từ khi du nhập vào Hà Nội, nó nhanh chóng chiếm được cảm tình giới trẻ bởi vị ngọt ngào, béo ngậy, thơm phức của các loại hoa quả như phúc bồn tử, việt quất, dâu, chanh leo... cùng bạc hà và socola.
Còn món chè pudding lại hấp dẫn bởi vị thạch tươi mát, xung quanh là rất nhiều loại trân châu, hoa quả tươi ngon. Khi ăn, vị thơm nhẹ của các loại trái cây quyện trong sự  ngọt ngào từ pudding khiến cái nắng oi nồng dường như dịu đi.
Giá các món ở đây chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng. Quán mở cửa từ 2h chiều. Địa chỉ: 57 Tô Hiến Thành.
Chè Singapore Bobochacha
Quán chè ở gần trường THPT Phan Đình Phùng. Thực đơn không quá phong phú nhưng nổi tiếng bán lâu đời, chủ yếu với ba loại là bobochacha đen, trắng và hoa quả.
chebocha-7149-1429242274.jpg
Món chè hoa quả thường được thực khách ưu ái chọn giải nhiệt mùa hè. Ảnh: Lozi
Chè đen được nấu từ gạo nếp cẩm nên có độ sánh, dẻo và thơm đặc trưng. Còn chè trắng là sự kết hợp giữa các loại khoai lang, sắn dẻo, thạch và bên trên rưới một lớp nước cốt dừa thơm ngậy. Đặc biệt món chè hoa quả được trình bày với màu sắc như một bức tranh rực rỡ sắc màu với các loại trân châu, thạch, trái cây..
Quán mở cửa từ 2h chiều đến 18h, phục vụ cả khách đem về. Giá 15.000 - 30.000 đồng một bát. Địa chỉ: 92 Cửa Bắc, Ba Đình.
Chè Thái
Nằm trong khu chợ Nam Đồng, quán khá nhỏ nhưng được nhiều người biết đến bởi món chè Thái nổi tiếng. Chè được đặt trong những chiếc nồi nhôm với hoa văn đặc trưng của người Thái.
che1-5982-1429242276.jpg
Món chè Thái ở đây ăn vừa miệng, không bị quá ngọt. Ảnh: foody
Ngoài chè Thái, quán có rất nhiều loại thỏa mãn nhu cầu thực khách như chè chuối, khoai môn, chè đỗ, thập cẩm..., được múc ra từng vị, cho vào bát thủy tinh lớn.
Nhiều người thích món chè thập cẩm ở đây bởi có đủ vị như ngô, khoai, chuối, hạt lựu, sương sa, chuối, đỗ, cốm, nước cốt dừa... Ưu điểm ở quán là chè rất vừa, không quá ngọt. Giá cả khoảng 10.000 - 20.000 đồng một bát, mở cửa đến 22h.
Anh Phương

7 luật lệ ăn uống kỳ quặc trên thế giới

Ở Rio Claro, Brazil bạn không được ăn dưa hấu, còn khi đến San Fransico, Mỹ, cho chim bồ câu ăn trên phố hay quảng trường là điều cấm kỵ.
Dưới đây là một số luật lệ khiến nhiều du khách bối rối khi đi du lịch, thậm chí có thể bị phạt tiền hoặc tống giam. 
Nhịn ăn như người bản xứ
Dù không phải quá kỳ lạ nhưng luật lệ cũng khiến du khách thấy kém thoải mái hơn. Năm 2011, Dubai ra lệnh du khách đi nghỉ ở đây trong khoảng thời gian diễn ra lễ Ramadan phải thực hiện giống người dân.
Điều đó nghĩa là họ không được ăn uống vào ban ngày. Trường hợp du khách phạm luật vì lỡ ăn, uống hay hút thuốc nơi công cộng. sẽ đối mặt với một án tù. 
Cẩn thận với cải Brussels
Ở Bỉ, bạn sẽ gặp một chút rắc rối nếu rời bàn ăn mà vẫn còn cải Brussels trong đĩa. Ngoài ra, việc ném cải Brussels vào người khách du lịch là điều hoàn toàn hợp pháp. Do vậy, bạn hãy thận trọng và chuẩn bị tinh thần nếu gặp phải tình huống khó chịu này.
f.jpg
Đừng ngạc nhiên nếu bạn bị ném cải Brussels ở Bỉ. 
Không được ăn kẹo cao su
Nhai kẹo cao su ở các MRT (mạng lưới tàu điện ngầm) của Singapore là phạm luật. Tại đây, việc bán và ăn kẹo cao su đã bị cấm hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, năm 2004, nước này nới lỏng luật và cho phép người dân sử dụng kẹo nếu bác sĩ kê đơn. 
Không dưa hấu
Mùa hè nóng nực được giải nhiệt bằng miếng dưa hấu tươi mát chắc chắn rất tuyệt. Nhưng ở Rio Claro, Brazil, bạn sẽ không hề thấy loại quả này trong thực đơn vì nó bị cấm. 
watermelon.jpg
Đến Rio Claro (Brazil) bạn sẽ thấy rất khó hiểu vì ở đây họ bị cấm ăn dưa hấu. 
Không nhả kẹo cao su trên phố 
Vứt rác bừa bãi là một hành động không nên biến thành thói quen. Tuy vậy, rất nhiều người lại không có ý thức, ví dụ như việc nhả kẹo cao su trên đường phố.
Nếu làm thế tại Thái Lan, bạn sẽ phải chịu mức phạt 600 USD hoặc hơn. Không nộp phạt, bạn sẽ bị tống vào tù. 
Không được cho chim ăn 
Ngồi ở các ghế dài, bóp vụn bánh mì để cho lũ chim ăn khi chúng sà xuống quanh chân là một trong những trải nghiệm thú vị ở nhiều thành phố. Tuy nhiên ở San Fransico, Mỹ, hành động cho đám bồ câu trên các hè phố hay quảng trường ăn là phạm pháp.
Birds-David-Shankbone.jpg
Nếu cho chim bồ câu ăn ở San Francisco bạn sẽ bị phạt.
Không nhập hay tự làm bia
Nhập khẩu hay tự ủ và làm bia đều là hành động bất hợp pháp ở Nigeria. Tuy nhiên, uống bia lại lại không hề bị cấm đoán. Bạn có thể mua và uống nếu tìm thấy bia, miễn là đủ 21 tuổi trở lên.

Canh cá Quỳnh Côi, món dân dã đậm hồn quê

Nổi tiếng bởi sự đơn giản, không cần nhiều nguyên liệu chế biến nhưng vẫn tạo hương vị riêng, canh cá Quỳnh Côi được xem là niềm tự hào của người Thái Bình.
Thị trấn Quỳnh Côi cách thành phố Thái Bình chừng 20 km với những cánh đồng lúa bát ngát, trù phú. Đến đây, món mà hầu như du khách nào cũng được khuyến nghị "nhất định phải thử" là canh cá Quỳnh Côi. Theo chân người Thái Bình đi khắp mọi nơi, món ăn này được xem là đặc sản, niềm tự hào đậm chất quê hương.
canh-ca1-JPG_1429324690.jpg
Thịt cá rô đồng được rim với nước mắm trước thay vì rán vàng, giòn. Ảnh: Anh Phương
Món canh được làm từ nguyên liệu rất đơn giản, là sản vật của chính đồng quê như cá, rau, gạo… nhưng lại tạo hương vị riêng mà không nơi nào có. Trước kia, người Quỳnh Côi chỉ làm với nguyên liệu cá rô đồng beo vàng, thịt chắc, đánh bắt dưới ruộng vào tháng 10.
Sau khi bắt về và làm sạch, đầu bếp khéo léo gỡ phần thịt khỏi xương, đem tẩm ướp cho ngấm rồi rim cùng chút nước mắm ngon, hành, gừng, tiêu. Muốn bát canh ngon, người chế biến phải gỡ cá sao cho thịt không bị nát. Phần xương, đầu đem ninh nhừ cùng xương lợn tạo vị ngọt và trong.
ca-ro-dong-1385-1429328635.jpg
Canh cá Quỳnh Côi nguyên bản phải được chế biến từ những con cá rô đồng vàng ươm, béo chắc. Ảnh: blog
Ngày nay, rô đồng không còn sẵn có nên các hàng quán thường chọn cá quả hay trắm thay thế, ướp thêm chút bột nghệ cho dậy màu vàng bắt mắt. Để giữ nguyên hương vị cá, một số nơi còn nướng trên than hoa cho thơm thịt, chờ lớp cá vừa chín tới, vỏ ngoài se lại là đem chiên vàng. Cá muốn ngon sẽ không được chiên quá kỹ, tránh làm cháy.
Nét độc đáo của canh cá Quỳnh Côi chính là những sợi bánh đa ở Thái Bình, mỏng, được chế biến từ gạo chiêm mùa trước. Người Quỳnh Côi có nghề tráng bánh đa cổ truyền với bí quyết riêng.
Trong đó, không cần cho hàn the, bánh vẫn giữ được vị dai, giòn, khi cho vào nước không bở, nát. Loại bánh đa này được phơi khô, có thể để dành dùng lâu.
Điều quyết định chất lượng canh cá là phần nước dùng được gia giảm khéo léo. Dù chẳng có cà chua hay giấm bỗng, vị nước dùng lại thanh mát, không béo ngấy. Tùy khẩu vị người ăn, bạn có thể vắt thêm vào bát canh bánh đa miếng quất hoặc chanh, giấm ớt và tỏi kèm theo rau húng, mùi.
canh-ca-JPG-4979-1429328635.jpg
Canh cá được ăn kèm với giấm tỏi, ớt chưng, ớt tươi, chanh và rau chuối. Ảnh: Anh Phương
Một bát canh cá Quỳnh Côi đúng chất phải có vị đậm đà của cá, nước ngọt thanh từ xương hòa quyện gừng tươi cay nồng, các loại thơm hay sự hăng hăng của rau cải. Món ngon này xuất hiện khá nhiều ở Hà Nội, trong đó có quán tại địa chỉ 74 Tuệ Tĩnh, 172 Khuất Duy Tiến..., giá 30.000 đồng mỗi bát.

Những món ăn khuya quen thuộc ở Sài Gòn

Cháo trắng lá dứa ăn cùng hột vịt bắc thảo hay tô hủ tiếu gõ ở ven đường... đều đủ sức giúp bạn chống lại cơn đói chợt đến lúc đêm khuya.  
Sài Gòn thường tấp nập, sôi động về đêm nên nhiều hàng quán lề đường hay tranh thủ phục vụ các món ăn khuya cho thực khách thời điểm này. Bạn có thể thử những gợi ý dưới đây.
Cháo trắng lá dứa
Thời tiết về đêm se lạnh, một tô cháo trắng ăn kèm hột vịt muối có thể là lựa chọn hoàn hảo. Cháo trắng lá dứa là món ăn bình dân, ngoài ra còn có hột vịt muối ăn kèm tép rim, mắm kho, củ cải, chà bông (ruốc) hay hột vịt bắc thảo…
Người bán có thể sử dụng cháo trắng, cháo lá dứa hoặc cháo đậu đỏ tùy theo sở thích của thực khách. Giá một tô cháo trắng ăn khuya từ 10.000 đến 30.000 đồng.
11137187-662012757255490-30308-3696-2484
Cháo trắng lá dứa thường bán rất khuya, kết hợp với hột vịt muối hoặc tôm tép rim. Ảnh: Lê Oanh
Cơm tấm đêm
Khắp Sài Gòn, nhiều quán cơm tấm đêm mở cửa rất khuya, từ 21h đến 4h sáng hôm sau. Thực khách ghé vào những quán này có thể lựa chọn nhiều món ăn kèm cơm như gà, thịt kho, chả… nhưng quen thuộc nhất vẫn là sườn hoặc sườn bì.
Người bán sẽ nướng những miếng sườn để khói bay nghi ngút, sẵn sàng phục vụ ngay khi khách gọi. Cơm nóng kết hợp sườn được nêm nếm đậm đà khiến bữa ăn khuya trở nên ngon lành, hấp dẫn. Giá một đĩa cơm từ 25.000 đến 30.000 đồng. 
10502070-544494732349092-88987-7474-4125
Thực khách Sài Gòn vẫn trung thành nhất với cơm tấm sườn hoặc sườn bì. Ảnh: Minh Thư
Hủ tiếu gõ
Những xe hủ tiếu gõ nằm dọc vỉa hè không phải là hình ảnh xa lạ trong mắt người Sài Gòn. Món này rất được ưa chuộng, nhất là với những bạn trẻ đi chơi về khuya hoặc người dân lao động.
Một tô hủ tiếu giá chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng, gồm vài lát thịt, hành ngò, tiêu… nhưng lại có khả năng xua tan cơn đói hiệu quả. Ngoài hủ tiếu gõ, bạn cũng có thể ăn mì hoặc bò viên riêng lẻ.
10450526-851869904885578-40608-9270-5831
Hủ tiếu gõ có hai loại gồm khô và nước khá hấp dẫn. Ảnh: Văn Võ
Bánh ướt, bánh cuốn
Bánh ướt và bánh cuốn được bán nhiều tại Sài Gòn với giá chỉ từ 15.000 đến 30.000 đồng một phần. Về khuya, bạn dễ dàng tìm thấy những tiệm bánh cuốn bình dân mở cửa muộn.
Bánh thường được làm sẵn, cắt ra và cho vào hộp để thực khách mua về. Một số nơi có thể đổ bánh tại chỗ để phục vụ khách ăn nóng.
Mì xào giòn
Ở Sài Gòn, không khó để tìm ra món mì xào giòn về đêm, hoạt động khuya nhất là các tiệm của người Hoa. Đầu bếp thường đứng trước quán với ngọn lửa vặn lớn và chăm chú chiên giòn sợi mì.
Khi hoàn tất, mì sẽ ăn kèm các loại rau củ, hải sản thơm ngon. Món ăn này vốn là của người Hoa, khi du nhập vào Việt Nam được nhiều thực khách yêu thích.
mi-xao-9295-1429610198.jpg
Mì xào giòn thường có giá 25.000 đến 30.000 đồng một đĩa. Ảnh: Tien Nguyen
Tường Ý

Những món ăn nên thử khi đến Malaysia

Các món như Laksa Nyonya, Ayam Pongteh không chỉ mang đến trải nghiệm ẩm thực mới lạ mà còn giúp du khách khám phá một phần văn hóa của cộng đồng người Baba Nyonya.
Người Baba Nyonya (hay Peranakan) là con cháu của dân Trung Quốc nhập cư xa xưa và phụ nữ Mã Lai địa phương. Dưới đây là một số món ngon của người Baba Nyonya thường làm du khách xao xuyến mỗi khi ghé thăm Malaysia.
Laksa Nyonya
Soup cà ri nấu với nước cốt dừa thơm ngon là một trong những món ăn nổi bật của ẩm thực Baba Nyonya. Các vùng miền khác nhau lại có biến tấu riêng của Laksa Nyonya vì sự thay đổi trong nguyên liệu nấu.
Laksa-Nyonya-3967-1429846632.jpg
Món Laksa Nyonya là một trong những đại diện cho ẩm thực người Baba Nyonya. Ảnh: kikideere.
Theo cách truyền thống, món ăn được nấu bằng một con cá với nước sốt tôm, kết hợp thịt gà, mì gạo hay bún. Laksa Nyonya được múc lên bát đầy, bày cùng vài lát dưa chuột, trứng tráng, cá viên, sốt ớt sambal. 
Ayam Pongteh
Là một món ăn ngon khác của người Peranakan, Ayam Pongteh nấu từ thịt gà hầm, khoai tây cùng nước sốt thịt đậm đà, ăn kèm cơm. Trước khi nấu, các nguyên liệu đều được ngâm nước qua đêm để tăng hương vị cho món ăn. 
Ayam-pong-teh-JPG-2976-1429846633.jpg
Ayam Pongteh là món thịt gà hầm khoai tây. Ảnh: Blogspot.
Các thành phần như hẹ, tỏi được nghiền nát thành hỗn hợp trộn cùng xì dầu, đường thốt nốt tạo màu. Sau khi cho thịt gà vào nồi nước hầm, đầu bếp bỏ lần lượt khoai tây, nấm và cuối cùng là nước sốt rồi nấu tới khi thịt mềm. 
Udang Masak Lemak Nenas
Món ăn này có sự kết hợp giữa vị hoa quả, chua, cay, béo ngậy của tôm và dứa (hai nguyên liệu chính). Udang Masak Lemak Nenas thực chất là món cà ri tôm dứa, thường xuất hiện trong bữa cơm đoàn tụ dịp năm mới. 
4864679395-42271f14c3-2695-1429846633.jp
Udang Masak Lemak Nenas là món ăn truyền thống trong bữa cơm năm mới của người Trung Quốc ở Malaysia. Ảnh: Flickr.
Vị ngọt và thơm của dứa hòa trộn với một số gia vị khác như me, lá chanh. Hỗn hợp ớt cay được chao qua chảo lửa và chuyển tới nồi nấu cùng nước, dứa, sau đó cho thêm cốt dừa, tôm. Cuối cùng, bạn sẽ được thưởng thức món ăn vừa thanh nhã vừa đậm đà hương vị. 
Ayam buah keluak
Ayam buah keluak nấu từ hạt kepayang, một loại cây mọc phổ biến ở các đầm lầy Malaysia và Indonesia. Điều đặc biệt là loại hạt này có độc tố, nếu không chế biến  cẩn thận, món ăn có thể gây chết người. Hạt kepayang được ngâm trong nước lạnh ít nhất hai ngày sau đó đem nghiền thành hỗn hợp, trộn cùng muối và đường.
Ayam-Buah-Keluak-Recipe-8200-1429846633.
Hạt kepayang có độc tố là một trong các nguyên liệu của món Ayam buah keluak. Ảnh: localbusiness.
Thịt gà và hạt kepayang được nấu sôi trong nhiều giờ rồi thêm me nghiền và bột cay. Chỉ cần đưa vào miệng, bạn đã cảm nhận được món ăn như đang tan trên lưỡi cùng với vị cay nồng lan tỏa.
Hương Chi (theo Roughguides)

Món ngon ở Hạ Long

Ngoài các loại hàu, ốc, sá sùng, Hạ Long còn rất nhiều món ngon mà du khách nên thử khi có dịp đến đây.
Mực hấp ổi
A1HL.gif
Mực hấp lá ổi có đặc điểm là không ra quá nhiều nước. Ảnh: bazan.
Thành phần món này gồm mực loại ngon, nước cốt me và lá ổi. Mực phải là con sáng, ánh xanh, da trơn nhẵn. Sau khi sơ chế sạch sẽ, đầu bếp lót lá ổi dưới đáy nồi, tiếp là mực, nước cốt me và thêm lớp lá ổi khác. Thời gian hấp chỉ khoảng 10 phút, đến khi những con mực chuyển sang tím thẫm và co lại.
Sử dụng lá ổi làm nguyên liệu khiến món này có vị chát đặc trưng, lại thêm chua nhẹ từ nước me, phù hợp ăn cùng cơm hoặc chấm mắm gừng ớt. Một số địa chỉ gợi ý gồm khu du lịch Bãi Cháy, Vườn Đào, chợ Cái Dăm, Bến Đoan... 
Bánh cuốn chả mực
A1hlk.jpg
Các quán bà Ngân phố Cây Tháp, Hồng Gai hoặc quán khác gần rạp Bạch Đằng bán nhiều món này. Ảnh: Nguyên Chi.
Điều làm nên nét khác biệt cho món bánh cuốn với nhiều nơi là miếng chả mực chiên vàng. Để có miếng chả ngon, đầu bếp thường chọn loại mực mai còn tươi. Sau khi sơ chế, mực đem giã tay để có độ giòn cần thiết.
Một số nơi còn cho thêm mỡ phần, đá lạnh vào cùng để khi chiên, miếng chả sẽ nở phồng, giòn thơm và ngon hơn. Nước chấm ăn cùng là mắm cay thoảng vị chua ngọt. Ngoài ra, mỗi phần còn có chút rau sống chống ngấy. 
Bún xào ngán
A2HL.jpg
Hầu hết các nhà hàng trong thành phố đều phục vụ bún xào ngán. Ảnh:dulichhalong.
Con ngán thuộc họ sò hến, sống trong bùn đất ở biển. Khi mua về, người chế biến dùng dao tách vỏ, lấy thịt, rửa sạch đất cát rồi thái nhỏ. Bún cắt ngắn khoảng sau đó để tơi. Các thành phần khác gồm mộc nhĩ, nấm hương, hành hoa được sơ chế cẩn thận. 
Khi có khách, chủ quán bắt đầu phi thơm hành hoa, đổ đĩa bún trộn ngán vào xào, lúc gần chín mới cho các nguyên liệu còn lại. Món này thường ăn nóng cùng hạt tiêu thơm nồng. 
Bánh tài lồng ệp
A3HL.jpg
Ngoài ăn ngay, bánh tài lồng ệp có thể rán giòn. Ảnh: Hương Chi.
Bánh tài lồng ệp hình tròn, mềm dẻo, màu nâu, vị ngọt, có vừng trên bề mặt. Thành phần gồm bột nếp, đường phèn hoặc mật mía.
Đầu tiên, bột nếp xay nhuyễn rồi trộn với đường phèn và nhào tới khi dẻo quánh, không dính tay. Lúc này, người chế biến mới đổ bột vào khuôn, hấp khoảng 8 tiếng để bánh chín mềm và thơm. Món này bán gần các đền, chùa như Long Tiên, Trần Quốc Nghiễn....
Diệu Huyền

Những món đậm hương vị biển Vũng Tàu

Bên cạnh các loại hải sản như tôm, cua, ốc thì mì sườn và bánh khọt cũng là những món ăn nổi tiếng ở Vũng Tàu mà du khách nên một lần nếm thử.
Cách TP HCM hơn 100 km về phía đông, biển Vũng Tàu được rất nhiều du khách chọn làm nơi nghỉ lễ cùng bạn bè và gia đình. Bên cạnh việc thỏa thích chơi đùa cùng sóng biển mát lành, du khách có thể cũng quân tâm tới những món ngon nức tiếng dưới đây
Hải sản
Các quán hải sản nổi tiếng của Vũng Tàu như Thành Phát, Gành Hào, Cây Bàng, Bình An trên đường Trần Phú đều có những món đặc sản biển như cua, ghẹ, sò, ốc, hàu sữa hay các loại tôm hùm, tôm tích, hải sâm… Mỗi loại được chế biến thành nhiều món khác nhau với hương vị tùy theo sự lựa chọn của du khách. Các món có giá từ 50.000 đến 200.000 đồng tùy loại.
02-Hai-san-JPG-5225-1429927328.jpg
Nên đi theo nhóm đông cùng bạn bè hoặc gia đình để có thể lựa chọn được nhiều món ăn ngon lạ và chi phí sẽ tiết kiệm hơn.
Mì sườn
Quán mì sườn Nghiệp Ký tại số 125 đường Ba Cu vốn nổi tiếng lâu đời ở Vũng Tàu được nhiều du khách chọn lựa cho bữa tối. Đến đây ngoài tô mì thơm ngon với thịt sườn heo rất mềm và ngọt, du khách còn được chiêm ngưỡng màn trụng (chần) mì điệu nghệ của bác chủ tiệm. Mì được trụng và tung lên rất cao rồi đón một cách điệu luyện trong cái vá. Cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần cho nước rơi ra khỏi sợi mì. Sợi mì khô ráo nước và dẻo sau đó sẽ được để vào tô, thêm sườn non, tóp mỡ và chan nước dùng sẽ được bưng ra phục vụ khách.
03-Mi-suon-JPG-9511-1429927329.jpg
Tô mì thơm ngon, đầy đặn có giá 40.000 đồng.
Bánh khọt
Tiệm bánh khọt nổi tiếng bậc nhất thành phố Vũng Tàu nằm ở đường Nguyễn Trường Tộ, mang tên "Gốc vú sữa". Dù gốc cây vú sữa không còn nữa nhưng hỏi quán này thì người dân nào cũng có thể chỉ cho bạn. Bột gạo được đổ vào khuôn, thêm vào giữa mỗi cái bánh một chú tôm tươi rói. Bánh sau khi chín sẽ được xếp ra đĩa rồi thêm mỡ hành, bột tôm lên trên nhìn rất bắt mắt. Bánh được cuốn với cải bẹ xanh, rau các loại và chấm nước mắm ớt. Quán rất đông khách nên đến giờ ăn bạn nên tranh thủ đến sớm để tránh bị hết chỗ ngồi.
01-Banh-khot-6271-1429927329.jpg
Bánh khọt là món điểm tâm ưa thích của nhiều khách du lịch mỗi khi đến Vũng Tàu. Một đĩa bánh giá 50.000 đồng gồm 8 chiếc.

Lầy phá và kem cuộn mát lạnh cho ngày nóng ở Sài Gòn

Thời tiết Sài Gòn đang bước vào giai đoạn "đổ lửa" khiến nhiều người mỏi mệt, cáu gắt. Những loại thức uống, món ăn mang đến cảm giác mát rượi hứa hẹn trở nên đắt hàng. 
Lầy phá 
Có xuất xứ từ người Hoa, món lầy phá còn được nhiều thực khách gọi là chè con giun. Ban đầu thực khách có thể thấy hơi khó uống, nhưng khi quen sẽ thấy đây là món rất mát và giải nhiệt tốt cho cơ thể.
Món này có thể uống đá hoặc không. Thông thường, lầy phá được múc vào bịch, rồi cắm ống hút để mọi người có thể vừa đi đường vừa uống. Giá một bịch lầy phá từ 5.000 đến 7.000 đồng. 
14545560017-21e6ae1e8a-c-8586-1429763075
Nghe tên lầy phá hay chè con giun có thể khiến bạn hơi sợ nhưng thực tế món này rất thanh mát và được làm từ hoa hòe, bán ở những khu người Hoa sinh sống. Ảnh: diadiemanuong
Kem cuộn
Có nguồn gốc từ Thái Lan, đây là món không được chuẩn bị sẵn mà chỉ khi ai gọi mới bắt đầu làm. Để làm một ly kem cuộn khá công phu. Người bán phải đổ kem và những nguyên liệu tạo vị khác lên một loại chảo phẳng và tán đều cho đến khi hòa quyện vào nhau.
Kem cuộn ăn dẻo, thơm, đặc và ít đá so với kem thông thường. Có nhiều vị khác nhau cho khách lựa chọn như trà xanh, chanh dây, kiwi, dưa gang... Giá một phần kem từ 15.000 đến 18.000 đồng. 
kem-cuon-minh-hoa-4104-1429763075.jpg
Thực khách nên thưởng thức ngay món kem cuộn vì nó rất mau tan chảy. Ảnh: Minh Hòa
Rau câu, bánh flan trái dừa
Miếng rau câu mát lạnh thơm mùi nước cốt dừa béo ngậy, là một trong những món ăn giúp "giải nhiệt" hiệu quả cho ngày nắng nóng. Món này ngon thường có độ đông lại vừa phải, màu nước cốt dừa không bị trộn lẫn với màu trắng của lớp rau câu phía dưới. Rau câu trái dừa ăn ngon nhất khi làm lạnh. Giá một quả từ 20.000 đến 25.000 đồng.
11168498-524140934390348-36601-7096-7245
Rau câu trái dừa ăn thanh mát, còn bánh flan trái dừa lại có chút vị béo béo, ngọt ngọt. Ảnh: Kẹo kéo
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử qua món khác là bánh flan trái dừa. Lớp vỏ ngoài là cơm dừa mềm, ăn vào vẫn giữ được độ giòn cần có, kết hợp với bánh flan và rau câu khiến món ăn thêm phần lạ miệng. Một bánh flan trái dừa giá 45.000 đồng nhưng sẽ cắt ra cho nhiều người ăn cùng. Mùi vị bánh flan có thể thay đổi thành sầu riêng, trà xanh hoặc chocolate...
Patbingsu
Có thể xem patbingsu là "cứu tinh" cho những ngày nóng Sài Gòn vì hương vị thanh mát của nó. Kết hợp giữa đá bào và trái cây ngon bắt mắt, patbingsu có xuất xứ từ Hàn Quốc nhưng đã dần phổ biến ở Sài Gòn. Món này có hương vị đa dạng như trà xanh, chanh dây, dâu... nên bạn sẽ không lo bị ngán. Giá một phần patbingsu từ 40.000 đến 60.000 đồng. 
10670064-738212292893799-35856-2275-8128
Patbingsu hấp dẫn người Sài Gòn bởi mang đến cảm giác mát mẻ trong từng muỗng đá bào. Ảnh: Lozi

Món ngon từ quả cọ nơi đất Tổ

Quả cọ chín có màu đen bóng, vị bùi, chát. Ngoài ăn sống, loại quả đặc trưng của Phú Thọ này còn có thể được làm dưa hoặc kho cá, nhưng đơn giản nhất là om.
Cây cọ mọc ở nhiều tỉnh thành nhưng là hình ảnh gắn bó với người dân Phú Thọ. Huyện Cẩm Khê là nơi cọ xuất hiện nhiều nhất, trải dọc suốt mấy chục cây số bên hữu ngạn sông Thao. Ngoài ra, cọ còn mọc thành nương, thành rừng, xanh rợp miền quê Phú Khê, Đông Phú, Thanh Nga, Sơn Nga, Phùng Xá... Khoảng tháng 7, những cây cọ trong rừng bắt đầu đơm hoa, kết trái. Đến khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 quả cọ bắt đầu chín. Khi màu vỏ chuyển sang hơi nâu và đen lại, người dân hái về rửa sạch bụi đất, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
ng-son-hoa-6520-1429161162.jpg
Cây cọ mùa ra quả. Ảnh: Nguyễn Sơn Hòa.
Quả cọ khi chín có vị bùi, chát của miền nắng gió trung du. Sau khi rửa sạch có thể dùng để ăn sống, ỏm, làm dưa hoặc kho cá. Tuy nhiên, đơn giản và dễ ăn nhất là món ỏm cọ (người dân địa phương còn quen gọi là om cọ).
Ỏm cọ rất dễ làm, chỉ cần một nồi nước, khi sôi liu riu đem thả cọ vào, đậy vung và đun nhỏ lửa. Sau 5 đến 10 phút, đổ cọ ra rổ đến khi ráo nước là có thể ăn ngon lành. Tuy cách làm đơn giản nhưng có thể cho ra món ăn mềm, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm hương.
STDS-Tr-i-C-7267-1429150280.jpg
Quả cọ đem bán ở chợ. Ảnh: CAP
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được món cọ ỏm ngon bởi nếu không đủ khéo léo, sẽ khiến quả cọ càng thêm chát và khó ăn. Khi ỏm cọ phải chú ý thời gian cho phù hợp, lửa chỉ đủ nước sôi lăn tăn để cọ không bị tóp lại và cứng, đến nỗi không ăn được.
Người sành ăn thường nhìn qua là có thể chọn ra được những quả cọ tròn, cùi dày, có màu vàng như mật ong. Khi nhấm nháp thấy dẻo chính là quả cọ nếp. Do đó, nồi cọ sau khi ỏm sẽ có lớp váng như váng mỡ nổi và quả khi bóp sẽ thấy mềm và dẻo.
co-om-amthuc365-9180-1429150280.jpg
Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hoặc tương ớt. Ảnh: Vân Nguyễn.
Quả cọ ngoài nấu ỏm còn có thể làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi của cọ, thường ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon. Ngoài ra, cọ còn có thể dùng để kho cá giống như quả trám.
Vì mùa cọ diễn ra không lâu nên nếu may mắn du lịch đến miền đất Tổ đúng vụ, bạn sẽ được thưởng thức đặc sản lạ miệng vùng trung du miền núi phía Bắc này.
Lê Thương