Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Quà vặt mát lạnh cho chiều nắng ở Nha Trang

Sau bữa chính ở Nha Trang, một số gợi ý dưới đây là lựa chọn tham khảo cho du khách trong buổi chiều nắng nóng.
Bánh rau câu flan
A1-JPG-4940-1431069568.jpg
Giá một phần khoảng 12.000 - 25.000 đồng. Ngoài ra, thực đơn còn có thêm sữa chua và các loại sinh tố giải nhiệt. Ảnh: Jason Faifoo.
Theo đánh giá của giới trẻ Nha Trang, quán số 52 Lê Thành Phương được yêu thích nhất vì bánh mềm vừa phải. Trong đó, hai vị chính là socola và lá dứa đều giữ được hương béo ngậy của sữa. Tuy nhiên, loại socola hơi ngọt khiến nhiều người phải gọi thêm đá khi ăn. Bạn có thể tới quán từ 18h đến 21h30 hàng ngày. 
Trà sữa matcha
A2-2524-1431069568.jpg
Một ly có giá 15.000 -  23.000 đồng. Ảnh: diadiemanuong.
Trà sữa trà xanh kiểu Nhật là món mới trong thực đơn tại quán số 120 Ngô Gia Tự. Ban đầu, chủ hàng chỉ cung cấp loại nguyên chất nhưng khi nhu cầu tăng lên, nguyên liệu phụ là thạch, phô mai được bổ sung thêm. Các loại này đều giữ nguyên độ giòn dai, hợp với khẩu vị của đa số người trẻ. 
Bạn có thể gọi thêm các món ăn vặt khác như khoai, cá, tôm viên chiên... với mức giá 9.000 - 22.000 đồng. Quán mở cửa 6h30 - 23h hàng ngày.
Chè Nam Bộ
A4-2831-1431069569.jpg
Để thực đơn hấp dẫn, chủ quán còn bổ sung thêm các loại kem, sữa chua với mức giá mỗi loại khoảng 6.000 - 20.000 đồng. Ảnh: Cún Khang.
Quán chè Nam Bộ hấp dẫn thực khách tại Nha Trang nằm tại số 7, 24/6 đường Nguyễn Đình Chiều, gần Đại học Thủy Sản. Do vị trí gần khu sinh viên, quán thường xuyên đông khách, nhất là giờ tan tầm, buổi trưa và chiều.
Thực đơn chè ở đây có gần 18 loại như bắp, đậu đen, bưởi, nha đam, sương sa hạt lựu...  Giá một ly khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Quán mở từ 10h đến 22h hàng ngày. 
Panna cotta
A7-7300-1431069569.jpg
Thực đơn quán này còn có sữa chua dẻo, trà xanh các món món mặn như bánh gạo, gà nướng, khoai viên phô mai.... Ảnh: diadiemanuong.
Panna cotta là món ngọt kiểu Italy nấu từ kem, sữa, đường và bột thạch để đông. Quán nổi tiếng với món này ở Nha Trang là Ya's Caramel, 100 Trương Định. Các hương vị chủ yếu gồm tiramisu cà phê, việt quất, phúc bồn tử, kiwi, matcha... với giá trung bình khoảng 15.000 đồng. Bạn nên đến vào buổi chiều, lúc 15h, khi quán bắt đầu mở cửa và vắng khách.

Những món nên thử khi du ngoạn Cần Thơ

Ngoài việc đắm mình với không gian sông nước, bạn cũng đừng quên tìm ăn những món đặc sản của địa phương khi đến Cần Thơ.
Pizza hủ tiếu
"Pizza" là tên gọi chiếc bánh hủ tiếu chiên giòn. Trước khi chế biến, bánh hủ tiếu được phơi khô, ướp bột nêm và tiêu cho thơm. Hủ tiếu cho ngập trong chảo dầu sôi, lật đều hai mặt để bánh chín vàng và rắc hành lá nhuyễn lên trên. 
anh-1-1978-1431400843.jpg
Pizza hủ tiếu thường ăn kèm mắm chua cay, giá từ 35.000 đến 50.000 đồng. Ảnh:Tương Tâm
Để bánh béo hơn, nhiều người còn cho thêm nước cốt sữa dừa hoặc thịt khìa nước dừa thái nhuyễn. Pizza hủ tiếu thường ăn kèm nước mắm chua cay hoặc tương.
Địa chỉ gợi ý: Lò hủ tiếu Sáu Hoài, khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều.
Bánh tét lá cẩm
Bánh tét lá cẩm là đặc sản ở Cần Thơ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh nhà họ Huỳnh, đòn bánh tét đơn giản trở nên bắt mắt hơn với màu tím lá cẩm. 
anh-2-8618-1431400843.jpg
Giá một đòn bánh tét dao động từ 50.000 đến 75.000 đồng. Ảnh: Ngoisao
Lá cẩm tươi được rửa sạch, nấu và lọc lấy nước để làm màu bánh. Đậu xanh ngâm rồi nấu nhừ, còn gạo đem trộn nước lá cẩm và cốt dừa, thêm muối, đường và xào trên bếp lửa khoảng một tiếng để thấm vào hột nếp. Bánh ngon phải được buộc bằng dây nilon, nấu bếp củi, khoảng 4 - 5 tiếng là chín. 
Địa chỉ gợi ý: Lò bánh Bé trong chợ Bình Thủy; Lò Tài Hoa ở chợ An Nghiệp, quận Ninh Kiều. 
Bánh xèo
Nhiều người cho rằng tên bánh xuất phát từ việc mỗi khi đổ bột vào chảo gang nóng sẽ nghe tiếng "xèo". Loại dùng đổ bánh là bột gạo pha nước cốt dừa, thêm màu vàng nghệ và ít hành lá thái nhuyễn tạo nên màu xanh non nổi bật. Nhân bánh thường là tôm, thịt heo, giá sống, củ sắn hoặc củ hũ dừa. Khi ăn, thực khách cuốn bánh trong nhiều loại rau thơm, chấm nước mắm chua ngọt.
anh-3-2402-1431400843.jpg
Giá một chiếc bánh xèo khoảng 40.000 – 50.000 đồng. Ảnh: Bánh xèo Mười Xiềm.
Địa chỉ gợi ý: Bánh xèo Mười Xiềm 13/3 đường 917, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy; Bánh xèo Bảy Tới đường Cái Sơn Hàng Bàng, quận Cái Răng.
Nem nướng
Món này hầu như nơi nào cũng có nhưng mỗi điểm đến lại mang hương vị riêng tùy theo tập quán ăn uống. Nem nướng Cần Thơ làm từ thịt nạc, chế biến ngay tại chỗ và nướng trên than hồng, ăn kèm rau sống, chuối chát, dưa leo, khế... Tất cả cuốn đều trong chiếc bánh tráng, chấm nước tương xay hoặc mắm chanh tỏi ớt.
anh-4-1951-1431400844.jpg
Tại Thanh Vân nem nướng có giá 45.000 đồng suất một người ăn. Ảnh: Ngoisao
Địa chỉ gợi ý: Nem nướng Thanh Vân, số 17 Đại lộ hòa bình; Nem nướng Anh Mập trên đường Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều.
Bánh mì
Đây là một trong những món ngon, đủ chất dinh dưỡng và giúp tiết kiệm thời gian. Bên trong chiếc bánh mì nhỏ, giòn rụm là vị thịt béo ngậy, rau tươi mát cùng nước sốt đậm đà. Người Cần Thơ thường thích cuộn những miếng nem hay thịt nướng làm nhân bánh mì. Nhờ đó, khi ăn, hương vị thơm ngon của nem và thịt được tẩm ướp kỹ các nguyên liệu đặc trưng miền Tây hòa cùng nước sốt ngọt thanh hiện lên rất rõ rệt.
anh-5-1481-1431400844.jpg
Một ổ bánh mì nem nướng có giá khoảng 10.000 đồng. Ảnh: blogcongai
Địa chỉ gợi ý: Quán Minh Nguyệt, đường 30/4 gần siêu thị Vinatex; xe bánh mì thịt nướng 54B Nguyễn Thái Học; quán Ăn Là Nhớ số 78, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều.

Lẩu thả - đặc sản của dân miền biển Phan Thiết

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngoài gỏi cá suốt, cá mai, cá lồi xối mỡ, ốc ruốc, bánh bèo, bánh xèo hay trứng mực... Phan Thiết còn đặc sản không kém phần nổi bật là lẩu thả. 
Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.
lau-tha-4249-1431406092.jpg
Tùy khẩu vị thành phần phụ của món lẩu thả có thể thêm hay bớt. Ảnh: Thảo Nghi
Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo... Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên. 
Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ.
11255138-10153269250133057-160-6846-8338
Khi ăn, độ giòn của bánh tráng hòa cùng vị ngọt nước chấm và thơm mát từ rau xanh, xoài sống... Ảnh: Thảo Nghi
Món này có hai cách để thưởng thức. Đầu tiên, thực khách ăn cá mà không cần trụng qua nước lèo, chỉ chan nước mắm đậu phộng lên trên, cho thêm bánh tráng nướng và trộn đều. Phương thức này giống việc ăn gỏi của người Nhật Bản.
Cách làm thứ hai dành cho những thực khách muốn ăn chín. Với tô nguyên liệu ban đầu, bạn múc nước lèo sôi đưa vào tô, thêm bánh tráng và dùng ngay. 
Sau khi thưởng thức lẩu thả, chị Lê Khanh, trú tại quận 10, TP HCM đánh giá ngoài cá mai, cá suốt, tinh túy nhất của món này là chén nước mắm đậu phộng rất thơm. "Dù đã no, tôi vẫn muốn ăn nữa vì sợ về Sài Gòn lại thèm", chị chia sẻ. 
Nước chấm của món lẩu thả là loại đặc biệt, chế biến bằng chuối sứ, tỏi, me khô, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn... Tỷ lệ pha chế là bí quyết mà thông thường các đầu bếp ít khi chia sẻ. 

Gỏi ốc giác - món ăn khó bỏ lỡ ở Phan Thiết

Ốc giác là loại hải sản quen thuộc của người dân miền biển Phan Thiết, thường chế biến thành nhiều món khác nhau phục vụ thực khách. Ngoài các cách đơn giản như luộc, hấp, nướng, xào với mì..., ốc giác còn nổi tiếng với món gỏi.
ocgiac-JPG-6356-1431662301.png
Những con ốc giác có thể nặng tới 2 kg. Ảnh: ranbien.
Mỗi con ốc giác thường có trọng lượng rất lớn, đôi lúc nặng tới 2 kg và có khả năng sống hàng tuần trong nước mặn sau khi đánh bắt. Tuy nhiên, loại làm món gỏi phải mới đánh bắt lên bờ, thịt còn tươi, tiết chất nhờn để bảo đảm độ ngọt.
Thịt ốc giác có hai phần, cùi và ruột đều ăn được. Phần cùi có màu trắng trong, cứng nhưng ăn giòn sần sật. Còn ruột màu nâu nhạt, vị béo, bùi.
Có hai cách để lấy thịt ốc, phổ biến nhất là luộc cả con, sau đó dùng đũa xăm vào. Khi chín, phần thịt bên trong rất dễ kéo ra. Cách thứ hai là ốc còn sống, gỡ thịt ra khỏi vỏ, sau đó mới đem luộc.
Thịt ốc giác luộc chín được sắt thành sợi nhỏ, trộn cùng thịt ba chỉ, đu đủ thái mỏng, rau răm, lạc và hành phi... Ngoài ra, đầu bếp cũng có thể chế biến thành gỏi ốc giác hoa chuối hay xoài xanh với vị khác lạ.
goi-oc-5876-1431662301.jpg
Ngoài việc hấp ốc giác, chấm cùng nước mắm, nhiều người còn làm gỏi ốc giác xoài xanh với cách chế biến công phu. Ảnh: Hà Lâm
Để làm gỏi ốc giác ngon, phần quan trọng nhất là gia giảm đường, giấm sao cho đậm vị, không ngọt gắt cũng không chua quá. Hành rắc lên trên phải là loại tía, phi thơm, vàng óng.
Nước mắm pha chế chấm gỏi rất công phu, có đủ vị ngọt, chua, thanh và ăn kèm bánh đa (bánh tráng nướng). Món này có mặt trong nhiều quán, nhà hàng ở Phan Thiết, phổ biến nhất là gần ga mỗi buổi chiều, tối.

Những quán ăn vặt được truyền miệng ở cố đô Huế

Huế nổi tiếng là vùng đất có nhiều món ăn đa dạng từ kiểu cung đình cho đến dân dã vỉa hè. Nhiều khách đến đây thường hỏi han dân địa phương và đến những quán ăn vặt có tiếng. 
Quán bà Đỏ
Có thể nói đây là điểm tập trung của các loại bánh nổi tiếng ở xứ Huế với hương vị thơm ngon như bánh bèo, nậm lọc, bánh ram ít, chả tôm hoặc bánh khoái... Quán có không gian mát mẻ, lịch sự và có nhiều thực khách phương xa cũng hay đến đây để thưởng thức ẩm thực đất cố đô. 
banh-loc-7422-1431680564.jpg
Bánh bột lọc nổi tiếng ở Huế, thường được chấm kèm nước mắm ớt. Ảnh:webdulichhue
Giá các loại bánh từ 25.000 - 60.000 đồng, được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon. Bạn có thể thử qua chả tôm cuốn với rau sống hay bánh bèo tôm khô... 
Địa chỉ: Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Huế. 
Chè Hẻm
Đây là quán nổi tiếng ở Huế. Khi đến đây, chỉ cần hỏi đến Chè Hẻm thì bạn sẽ được chỉ dẫn tận tình. Quán khá đông khách nên khi đi vào chiều tối, bạn phải đứng chờ bàn. Có nhiều loại chè để bạn chọn lựa như chè xoa xoa, bột lọc dừa, bột lọc heo quay, hạt sen hoặc thập cẩm. Giá một ly chè là 8.000 đồng. 
chehem1-7038-1431680564.jpg
Những ly chè đa dạng được thực khách yêu thích khi đến Huế. Ảnh: K. Lang
Địa chỉ: đường Hùng Vương, thành phố Huế. 
Bánh khoái Hạnh
Quán ăn nằm trên con phố nhỏ Nguyễn Đức Chính, dễ dàng nhận ra bởi tấp nập thực khách. Đây là quán bánh khoái, nem lụi nổi tiếng ở Huế.
Món ăn ở quán khá phong phú, nhiều người thích thú với món bánh khoái với  nhân gồm thịt, tôm đã bóc vỏ, xá xíu, giá đỗ..., trông giống bánh xèo nhưng nhỏ và dày dặn hơn.
banh-khoai-2220-1431680564.jpg
Nước chấm bánh khoái được làm rất công phu từ nhiều nguyên liệu như gan, thịt nạc băm, vừng, lạc giã nhuyễn... Ảnh: Khánh Ly
Bánh khoái được chấm với nước lèo, được chế biến khá công phu từ nhiều nguyên liệu như gan, thịt nạc băm kết hợp với vừng, lạc rang giã nhuyễn, ăn kèm các loại rau sống, chuối chát, khế chua thái mỏng. Các món ở đây có giá từ 20.000 - 55.000 đồng.
Địa chỉ: đường Phó Đức Chính, thành phố Huế. 

Những món ăn nên thử khi đến Hậu Giang

Cá thác lác hay ngát nướng chiên sả ớt, nấu canh chua... là những món ăn gợi ý cho du khách khi đến Hậu Giang.
Hậu Giang với đất đai phì nhiêu là vùng đất tiềm năng về du lịch sinh thái, miệt vườn. Nơi đây cũng nổi tiếng với nhiều món ngon đặc trưng vùng sông nước.
Cá thác lác
Là loại thủy sản phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, cá thác lác sống chủ yếu ở các vũng ao, hồ, bùn lầy, nước đục. Cá được chế biến thành nhiều món như chiên sả ớt, hấp, gỏi chua cay, chả cá, nấu canh cải bẹ xanh, kho với dứa và cà chua...
DSCN8883-JPG-9768-1405141585.jpg
Cá thác lác có thể chế biến đa dạng nhiều món như chả cá, nấu canh hoặc kho với dứa... Ảnh: Tường Ý
Đơn giản và dễ làm nhất là thác lác chiên sả ớt. Cá được làm sạch, khứa nhẹ rồi ướp muối, bột ngọt, ớt, sả băm nhuyễn cho thấm, sau đó cho vào chảo rán giòn. Khi mặt cá chuyển sang màu vàng ươm, mùi thơm quyện cùng sả, ớt bốc lên là chín.
Ngoài ra, món cá thác lác nướng cũng có vị ngọt lan tỏa nơi đầu lưỡi cùng cảm giác cay nồng và vị thơm của sả, ớt. 
Cá ngát
Là loài cá rất tinh ranh, ăn tạp và sống ở những nơi nước sâu, thậm chí khoét hang 2-3 m. Vì vậy, các ngư dân phải rất công phu mới bắt được cá ngát và hương vị của chúng cũng rất đáng để thử một lần.
Cá ngát có thể chế biến thành nhiều món như nướng bẹ chuối, hấp, nấu canh chua, kho tộ hoặc làm món khô ăn với củ kiệu... Tuy nhiên, đơn giản nhất là cuốn vào bẹ chuối hột, nướng trên bếp than hồng để vẫn giữ nguyên hương vị. Khi ăn, bạn có thể kết hợp các loại rau rừng, chấm muối ớt.
canh-chua-ca-mat-quy-Copy_1431789465.jpg
Cá ngát nấu canh chua cũng là món hấp dẫn nhiều thực khách. Ảnh: seotop
Món cá ngát kho tộ thường có trong bữa ăn của người dân sông nước miền Tây. Cá được làm sạch, tẩm ướp với nước mắm ngon, một chút đường, hạt tiêu, ớt và cho lên bếp đun lửa liu riu. Hiện nay, cá ngát là đặc sản tại các quán ăn, nhà hàng, giá từ 70.000 đến 120.000 đồng một kg.
Đọt choại
Đọt choại là món rau dân dã ở Hậu Giang. Loại cây này có lá xoăn tít, cuộn lại, vị ngọt nhẹ, thơm, giòn, được chế biến để nhúng lẩu cá ngát, ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi, chấm nước tương, xào tép, canh chua bông điên điển...
dotchoai2-7839-1431426015.jpg
Đọt choại là món rau thường xuất hiện trong các bữa ăn của người dân Hậu Giang. Ảnh: lenlich
Rau đọt choại có đặc điểm dễ úa nên ăn đến đâu, người dân mới đi hái, để lâu sẽ mất vị ngọt. Những bụi đọt choại có vòi dài, lá xoắn, chưa kịp bung ra mới ngon. Giá khoảng 10.000 đồng một bó nhỏ.

Những món ăn dân dã ở Vĩnh Long

Ngoài cá tai tượng chiên xù với lớp vảy giòn rụm, thịt dai thơm, ăn kèm bánh tráng, bún và các loại rau sống chấm mắm tỏi ớt chua ngọt, Vĩnh Long còn có các món khoai lang mắm sống, canh cá rô hay cá cháy kho phục vụ thực khách.
Thiên nhiên ưu đãi Vĩnh Long nguồn sản vật khá lớn, bao gồm nhiều loại trái cây và thủy hải sản. Vì thế, người dân nơi đây đã tận dụng những gì sẵn có để tạo ra các món ăn mang hương vị đặc trưng.
Cá tai tượng chiên xù
Ở Vĩnh Long, cá tai tượng trở thành món ngon đệ nhất nhờ cách chiên xù. Cá để nguyên vảy, làm sạch ruột và cho vào chảo dầu đang sôi trên bếp. Người chế biến phải canh lửa và lật cá cẩn thận để các mặt giòn, thịt không bị nát.
Nhờ đó, lớp vảy có độ giòn rụm còn thịt cá dai thơm, ăn kèm bánh tráng, bún và các loại rau sống chấm nước mắm tỏi ớt chua ngọt.
anh-1-8440-1431921700.jpg
Món cá tai tượng chiên xù đẹp mắt. Ảnh: Flickr 
Khoai lang, mắm sống
Thông thường, nhắc đến khoai lang, nhiều người nghĩ ngay đến món chè thanh mát hay chiên giòn. Nhưng người dân Vĩnh Long lại sáng tạo ra món khoai luộc ghém cùng mắm sống.
Khoai lang sau khi hấp hoặc luộc chín để nguội, xắt thành miếng nhỏ. Tiếp theo chuẩn bị thêm dừa khô nạo, muối mè, đậu phộng, các loại rau thơm. Khi ăn, thực khách dùng lá cuốn từng miếng khoai lang, thêm ít dừa, đậu phộng và rau, chấm đều trong chén mắm cá linh hoặc cá sặc đậm đà. Vị ngọt, thơm, bùi của khoai và dừa cùng với các loại rau trong từng cuốn giúp món ăn không bị ngấy.
Cá cháy
Cá cháy là đặc sản Vĩnh Long, hơi nhiều xương nhưng thịt thơm và có trứng bổ, rất béo. Với loại cá này, cách chế biến đơn giản nhất là nấu cháo ăn kèm rau tần ô, rau đắng, xà lách và chút gừng thái nhuyễn. Ngoài ra, đầu bếp còn tẩm ướp cá và kho liu riu trên bếp đến khi nào xương rục ra là có thể ăn với cơm trắng. Canh chua cá cháy cũng là món ăn thanh đạm, giúp đổi vị trong các bữa ăn hàng ngày.
anh-3-8584-1431921700.jpg
Cá cháy kho mặn có thể ăn trong nhiều ngày vẫn không chán. Ảnh: travel
Canh cá rô
Ngoài kho nồi đất đặc trưng hay chiên nước mắm, cá rô còn được nấu canh với bông so đũa. Chỉ cần một kg bông so đũa và khoảng chục con cá rô cỡ nhỏ là đủ nấu thành nồi canh ngon ngọt.
Cá rô đánh vảy làm sạch, giữ lại phần mỡ béo ở bụng. Nước canh phi tỏi thơm nấu sôi, thả cá vào, đợi chín, sau đó mới cho thêm bông so đũa. Nêm nếm gia vị vừa vặn và thêm chút hành ngò thơm là món ăn sẵn sàng để thưởng thức.
anh-4-2834-1431921700.jpg
Canh cá rô được chọn phải làm sạch vảy, chỉ giữ lại phần mỡ béo ở bụng. Ảnh:ngoisao
Thanh trà
Cây thanh trà có vóc dáng khá giống xoài, trái nhỏ, tròn tựa quả chanh, vỏ màu xanh và khi chín chuyển sắc vàng tươi. Ruột trái mềm, vị chua ngọt đặc trưng. Trái thanh trà mới bóc vỏ thường được chấm muối ớt hoặc cắt từng miếng cho vào ly, thêm đường, đá, một ít muối, dầm lên làm sinh tố uống giúp thanh nhiệt cơ thể.
Không chỉ vậy, khi hơi chín tới, ruột trái thanh trà còn cứng, thường được người dân dùng để ngào đường làm mứt. Ngoài ra, trái chín còn làm gia vị cho các món kho, canh chua.
anh-5-7125-1431921700.jpg
Thanh trà dầm nước đá là thức uống giúp thanh nhiệt cơ thể. Ảnh: amthuc
Bưởi Năm Roi
Vĩnh Long từ lâu đã nổi tiếng với giống bưởi Năm Roi ít hạt, múi đều và vị ngọt thanh. Đây là món quà thông dụng, du khách thường mua về khi ghé đất Vĩnh Long. Từng múi bưởi căng tròn, mọng nước chấm trong chén muối Tây Ninh đậm vị tôm là món tráng miệng, ăn vặt hấp dẫn.
anh-6-5331-1431921701.jpg
Múi bưởi năm roi mọng nước. Ảnh: hoamuop

Bún sứa Nha Trang - Món ăn mang đậm hương vị biển

Món bún làm từ những miếng sứa giòn kết hợp chả cá chan nước dùng ngọt thanh. Khi ăn, thực khách có thể gắp riêng sứa chấm với nước mắm ớt để cảm nhận rõ hơn độ tươi ngon. 
Là động vật không xương sống, sứa xuất hiện nhiều ở các vùng biển và trở thành món đặc sản, trong đó phải nhắc đến bún sứa Nha Trang. 
Chế biến món này cũng không quá kỳ công. Những con sứa còn tươi do ngư dân vớt từ biển ở đảo xa sẽ được làm sạch nhớt, sơ chế theo kỹ thuật và kinh nghiệm riêng. Loại sứa dùng để làm món bún đặc sản này thường nhỏ, màu trắng đục, mình dày. 
sua-7699-1432005164.jpg
Sứa biển dùng trong món bùn thường nhỏ, có màu trắng đục, được ngư dân vớt từ dưới biển ở đảo xa... Ảnh: nhatrangtoday
Nước ăn kèm với bún sứa không phải nấu từ xương ống, thịt mà từ cá biển... trong đó có cá liệt - loại cá nhỏ, không xương, khiến nước lèo trở nên thơm và ngọt. 
Tô bún sứa còn bao gồm chả cá được làm từ các loại hải sản ngon nổi tiếng như cá thu, cá nhồng... Chúng được lọc xương để lấy phần thịt cá rồi quết nhuyễn và nặn thành từng viên nhỏ, đem vào chõ hấp cho giữ nguyên mùi vị.
Nói bún sứa đậm đà hương vị biển bởi hầu hết nguyên liệu dùng để chế biến và độ mặn, ngọt của món ăn đều do các loài hải sản, hạn chế dùng nhiều gia vị. Nước dùng của bún sứa trong veo, không mỡ, béo và có mùi vị thanh ngọt, rất thích hợp khi ăn trời nóng.
Khi thưởng thức, chỉ cần lấy bún đã trụng (chần) nước sôi cho vào bát, thêm những miếng sứa trong, giòn lên trên, cùng vài viên chả cá, chan nước dùng nóng hổi, điểm thêm vài cọng giá đỗ, rau sống tươi xanh.
bun-sua-2329-1432005164.jpg
Bún sứa có vị thanh mát, tác dụng giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Quế Lan
Thực khách sẽ cảm nhận những miếng sứa ngọt, giòn, và mát quyện lẫn vị đậm đà của chả cá thu, cá nhồng lẫn trong thứ nước dùng ngọt thanh. Ăn hết tô bún thấy mồ hôi toát ra, cơ thể nhẹ nhàng, thanh thoát như xua tan đi cái nóng mùa hè.
Chính vì vậy, không chỉ người Nha Trang mà nhiều khách đến đây cũng tìm để thử món bún sứa rất đặc trưng này. Bạn có thể tìm ăn bún sứa tại các quán ở phố Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên hay ngã tư Yersin - Bà Triệu... trong thành phố Nha Trang

Bún cá thố cho buổi chiều Sài Gòn

Sài Gòn là nơi tập trung, giao thoa văn hóa ẩm thực của cả nước. Chịu khó tìm kiếm, bạn sẽ thấy món ngon của các vùng miền đều được bán ở thành phố này. Những nơi đó có thể bình dân hoặc sang trọng, nhưng đa phần đều giữ được hương vị đặc trưng. 
Ngoài những chén cơm trắng với canh chua, bạn có thể nếm thử món "lạ với dân Sài Gòn, nhưng quen với người miền tây" mang tên bún cá thố. 
bun-ca-tho-004_1432182757.jpg
Bún cá thố thường ăn kèm rau đắng. Món này thích hợp ăn vào buổi chiều trời mát ở Sài Gòn. Bạn có thể thưởng thức ở quán bình dân trên đường Lâm Văn Bền, quận 7. Ảnh: Thảo Nghi.
Thay vì những chiếc tô truyền thống, bún cá đặt trong thố đen đậy nắp, bên trong, nước lèo vẫn còn sôi nhè nhẹ. Do đó, thực khách không nên chủ động đưa tay đỡ khi món được dọn đến.
Lúc mở nắp, một làn khói trắng bốc lên nghi ngút, theo đó là mùi thơm lan tỏa. Bún cá đặt trong thố để đảm bảo giữ nhiệt tốt, lúc nào cũng nóng hổi.
Nguyên liệu để chế biến món này cũng không quá xa lạ, gồm cá, tôm, thịt, nước lèo và bún tươi. Riêng nước lèo được hầm từ xương, nước dừa, ngải bún và không có hương vị của mắm. 
Bún cá thố được ăn kèm rau đắng và giá. Bạn chỉ cần cho tất cả vào thố, vắt thêm chanh (nếu cần) và thưởng thức cùng một chén nước mắm ớt để chấm cá, tôm, thịt. Giá một thố là 30.000 đồng. Ngoài bún cá, bạn có thể thử cháo cá rau đắng với giá 25.000 đồng. 

Một vòng ăn uống quanh thành phố Đà Lạt

Bánh mì xíu mại, thịt xiên nướng hay sữa đậu nành nóng... là những món thường nằm trong danh sách "phải ăn" của thực khách khi ghé thăm thành phố Đà Lạt ngàn hoa. 
DSCN0307-JPG-3986-1432543167.jpg
Bún bò H​uế
Gắn liền tên tuổi với xứ Huế nhưng bún bò vẫn là lựa chọn phổ biến của nhiều người địa phương lẫn du khách ghé thăm thành phố Đà Lạt. Tô bún bò có chân giò lớn, da heo xếp như củ hành tây trông khá lạ mắt. Thực khách ăn xong thường uống thêm ly trà nóng. Bạn có thể thưởng thức món này vào buổi sáng sớm ở tiệm Thiên Trang trên phố Hồ Tùng Mậu. Giá một tô 30.000 đồng. Ảnh:Tường Ý.
11352246-10153301751263057-192-2856-3137
Bánh mì xíu mại
Viên xíu mại nóng, mềm, nước súp đậm đà nên khi quét bánh mì vào ăn, cơ thể như ấm dần lên giữa tiết trời se lạnh. Bạn có thể thưởng thức món bánh mì xíu mại ở tiệm bánh mì Liên Hoa, Hoàng Diệu hoặc quán nhỏ trên đường Tăng Bạt Hổ... Giá mỗi chén là 20.000 đồng. Ảnh: Tường Ý.
970889-10200112981487122-18657-9859-6692
Thịt, hải sản và ​xiên nướng
Những đĩa thịt và hải sản được ướp đậm đà với gia vị, tỏa mùi thơm ngát cùng tiếng "xèo" khi đặt lên lò nướng. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn các xiên que nướng trực tiếp trên đường phố Đà Lạt. Giá thịt và hải sản từ 80.000 đến 120.000 đồng một đĩa, xiên nướng từ 5.000 đến 10.000 đồng một que. Ảnh: Hải Âu.
1459807-436977933070761-172542-7859-4283
Bánh ướt lòng ​gà
Một phần sẽ gồm bánh ướt, lòng gà, heo, rau, bánh dày chiên và nước mắm. Thịt gà sử dụng trong món này dai, bánh nóng hổi nhưng khi đem ra, bạn cần ăn liền vì trời lạnh nên mau nguội. Giá một đĩa là 30.000 đồng. Ngoài ra, bạn có thể thử gỏi gà hoặc cháo gà khi đến quán Trang trên đường Tăng Bạt Hổ. Chú ý đến sớm tầm 16 - 17h vì quán bán rất mau hết. Ảnh: foody.
11128155-997396450285682-79611-2269-2530
Nem nư​ớng
Cũng như bún bò Huế, nem nướng nổi tiếng tại Nha Trang nhưng nhiều người vẫn rủ nhau đi ăn món này ở quán Bà Hùng trên đường Phan Đình Phùng khi đến Đà Lạt. Khách đến quán chỉ cần ngồi xuống, trong tích tắc, món ăn sẽ được dọn ra. Giá ở đây là 40.000 đồng một phần, nem nướng ăn kèm rau sống tươi, cuốn bánh tráng và chấm nước mắm đậu phộng. Ảnh: Phạm Nhật Thắng
hinh-moi-3918-1432543168.jpg
Ch​è
Quán được nhiều người truyền miệng rủ đi ăn ở Đà Lạt là chè Hé trên đường 3 tháng 2. Tuy quán luôn mở cửa he hé chứ không rộng ra nhưng lúc nào cũng đông khách. Chè nóng có giá 6.000 đồng và 11.000 đồng cho chè đá. Có 3 loại chè để bạn thử là trôi nước, chè bắp hoặc chè đậu. Ảnh: Vân Anh
hinh-da-lat-117-6802-141387078-3427-1936
Bánh tráng nướ​ng
Đà Lạt nổi tiếng với bánh tráng nướng và bạn có thể tìm thấy món này ở nhiều chỗ như chợ Đà Lạt, dọc hồ Xuân Hương... Tuy nhiên, những hàng bánh tráng ngon lại nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi. 
Cứ tầm sau 17h, nơi đây lại đông khách ngồi quay quần chờ đến lượt. Phương châm của người bán là "tới trước phục vụ trước" và gọi 5 cái thì sẽ bán hết 5 cái rồi mới chuyển sang vị khách tiếp theo. Ảnh: Tường Ý.
10561547-10201615844192765-756-5457-4249
Kem bơ
Đến Đà Lạt vào mùa này, bạn nên thử món kem bơ. Những trái bơ dẻo được xay mịn, nhuyễn, sánh đặc, cho thêm viên kem dừa phía trên và một chút sầu riêng (nếu khách yêu cầu). Nổi tiếng Đà Lạt phải kể đến kem bơ Thanh Thảo, đường Nguyễn Văn Trỗi. Một ly giá 15.000 đồng. Bạn có thể đánh đều lên rồi thưởng thức hoặc múc từng muỗng bơ và xắn kem ăn cùng để cảm nhận rõ vị ngon. Ảnh:Minh Sang Phạm.
1908378-10152934566698111-7714-3043-5681
Bánh ngọt và sữa đậu nành
Sữa có vị thơm, đậm đặc và ngọt vừa phải. Ngoài sữa đậu nành, bạn có thể thay thế bằng sữa đậu xanh, đậu phộng hoặc sữa bắp, mè đen. Đi dọc con đường Tăng Bạt Hổ, bạn sẽ thấy một tiệm sữa đậu nành tấp nập khách ngồi, mở cửa từ 17h đến 24h. Giá mỗi ly chỉ có 6.000 đồng cho đậu nành nóng và 7.000 đồng nếu dùng đậu nành đá. Ảnh: Huyền Trâm

Bánh canh chả cá cho bữa trưa Sài Gòn

Bánh canh chả cá là món ăn bình dân nổi tiếng ở nhiều địa phương như Phan Thiết, Nha Trang, Tây Ninh, Bình Định, Vũng Tàu... Tùy theo mỗi vùng miền mà món ăn được chế biến khác nhau, nhưng bánh canh Phan Thiết hay Nha Trang có mùi vị dễ ăn hơn cả.
Bánh canh Phan Thiết có sợi rời, đục chứ không dính với nhau. Nước lèo để nấu nên nồi bánh canh được làm từ cá tươi như cá bốp, cá cam, cá thu... Khi nấu còn cho thêm chút nấm rơm vào để tăng thêm vị ngọt. Bánh canh Nha Trang cũng nấu nước lèo từ cá biển, thường ăn kèm cá dầm, cho chút mắm ớt để có vị the the. 
644593-3957732585113-112707400-8059-5353
Tô bánh canh chất lượng theo vị Phan Thiết với chả chiên, chả hấp, trứng cút và bên trên rắc tiêu, hành, thêm vài lát ớt. Ảnh: Vo Quoc
Chả cá cho món bánh canh thường có hai loại là chiên hoặc hấp. Thực khách sẽ cảm nhận được vị béo, đậm đà và dai khi ăn chả chiên hay vị béo, thơm, bùi, cay khi ăn chả hấp. Tô bánh canh chất lượng thường sẽ được đem ra nóng hổi, những miếng chả cắt theo hình chữ nhật, phía trên cho nhiều hành xắt nhỏ, rắc thêm tiêu vào để mùi vị thêm nồng. 
Riêng tại Phan Thiết, người dân không chỉ húp bánh canh đơn thuần, mà còn lấy bánh mì nóng giòn, xé từng miếng nhỏ chấm vào nước lèo. Thậm chí, nhiều người còn mua riêng chả về, xắt ra chấm ăn với nước mắm chua ngọt.
11156136-10152970760984132-822-4143-3064
Chả cá ngon nên nhiều thực khách có thể mua riêng chả về xắt ra để chấm với nước mắm chua ngọt. Ảnh: Nguyễn Đãm
Tại Sài Gòn, nhiều quán bánh canh cũng bắt đầu mọc lên để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách. Bạn có thể ăn bánh canh chả cá ở các quán trên đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình; Nguyễn Tri Phương, quận 10; Vườn Chuối, quận 3; đường số 9, quận Gò Vấp... Một tô bánh canh có giá từ 25.000 đến 30.000 đồng. 

Xôi chả mực và mẹt gà tuyết ở Hà Nội

Những lát chả được làm từ mực tươi ngon hay mẹt gà với 5 món ăn phong phú sẽ đem lại cho bạn những cảm nhận khác biệt khi thưởng thức.
Xôi chả mực và mẹt gà tuyết được bày trí bắt mắt, khiến nhiều thực khách "phải lòng" từ cái nhìn đầu tiên.
Xôi chả mực
Món này gồm một bát xôi trắng với mùi thơm, bùi của gạo nếp, bên trên rắc một chút hành phi và vài lát chả mực vàng ruộm.
Để có món xôi chả mực ngon, người chế biến phải rất cầu kỳ trong việc chọn gạo nếp, các hạt phải đều nhau, không bị gãy. Gạo nếp cũng được ngâm vừa đủ để khi nấu cho ra xôi mềm, dẻo, ngọt.
xoi1-6028-1432701743.jpg
Xôi chả mực được bày trí theo suất như kiểu cơm văn phòng. Bạn có thể thưởng thức món ăn này trên phố Yên Lãng, quận Đống Đa. Ảnh: N.Linh
Trong khi đó, những con mực tươi được giã bằng tay để chả vừa dai, vừa giòn. Khi rán phải giữ cho đều lửa để mực chín tới ở bên trong, mà không bị cháy ở lớp ngoài. Xôi trắng kết hợp với chả mực còn có vị the the của rau húng quế. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt, giòn của mực và có thể chấm kèm chút nước mắm nguyên chất. Giá từ 35.000 đến 45.000 đồng.
Mẹt gà tuyết
Đây là món mới xuất hiện ở Hà Nội, trong đó gà được bao bọc cẩn thận bởi lớp "tuyết" dày và rắn chắc để giữ nhiệt trong khoảng 50 phút. Một mẹt gà được trưng bày đẹp mắt với đủ 5 món và hương vị phong phú.
Khi ăn bạn sẽ bóc lớp "tuyết" dày bên ngoài để lộ ra nguyên con gà vàng ruộm tỏa hương thơm phức của nấm hương. Gà "tuyết" ăn thịt mềm, ngọt, chấm cùng với nước sốt được pha chế.
met-ga1-3139-1432701743.jpg
Bạn có thể thưởng thức mẹt gà tuyết ở quán ăn trên phố Hoàng Cầu. Ảnh: G.H.N
Trên mẹt còn có món chân gà chiên tỏi, gà cuốn gồm thịt đùi xé nhỏ, trộn cùng thính, ngô, cà rốt và đậu phụ.... ăn cùng với nộm đu đủ chua ngọt để đỡ ngán.
Đến cuối bữa, bạn nhất định không nên bỏ qua xôi nấm, với hương vị nếp thơm ăn kèm ruốc nấm. Giá mỗi set đồ ăn cho 5-6 người là 650.000 đồng.

Bản đồ gia vị món ngon Việt qua 4.000 năm

IMG-4902-JPG-2744-1432699629.jpg
Ẩm thực Việt Nam phong phú, hấp dẫn thực khách một phần nhờ vào sự đậm đà, thơm ngon đặc trưng của gia vị nhưng có nhiều loại chưa được nhiều người biết đến như tiêu lốp, củ nén, trái giác...
Theo các chuyên gia ẩm thực, hiện nay nguồn gia vị Việt rất phong phú nhưng mới chỉ được khai thác theo kiểu "hái liền tay ngay vườn nhà" mà chưa được phổ biến rộng rãi. Gia vị đa phần vẫn theo kiểu sử dụng tươi, chưa sơ chế, chế biến sẵn nên còn phù thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu, không thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. Điều quan trọng là không chỉ tìm ra gia vị ngon mà còn làm sao để mọi người đều có thể sử dụng chúng ngay tại bếp nhà. Xây dựng nên bản đồ gia vị Việt là bước đầu để có thể hiện thực hóa được việc này.
IMG-4903-JPG-3755-1432699629.jpg
Đó cũng là lý do mà ban tổ chức cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015 sưu tầm các gia vị độc đáo như những "viên gạch" đầu tiên xây dựng bản đồ gia vị ViệtĐơn cử như gia vị tiêu lốp vốn có nhiều tại vùng đất Tây Nguyên, có vị cay thơm, thường được người dân nơi đây dùng thay thế tiêu trong những món chấm. 
IMG-4930-JPG-6099-1432699630.jpg
Hay củ nén thường được người miền Trung dùng thay tỏi để ướp món ăn tạo hương vị riêng. Đây còn là một gia vị tốt cho sức khỏe, có tác dụng giải cảm khi dùng để nấu cháo.
IMG-4908-JPG-7736-1432699629.jpg
Trái giác có vị chua, thường dùng nấu canh, kho cá, có nhiều ở miền Tây Nam Bộ.
IMG-4920-JPG-9849-1432699630.jpg
Quả chay khô có vị chua, thường dùng nấu canh, kho cá, có nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng.
IMG-4926-JPG-3323-1432699630.jpg
Thảo quả xuất hiện nhiều ở miền Bắc, mang vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trục hàn, trục đờm, ấm bụng, tiêu ích, giúp ăn ngon miệng.
IMG-4927-JPG-5192-1432713296.jpg
Mát mật có vị ngọt, lá và quả dùng để ướp thịt, ngâm cùng măng chua. Loại gia vị này xuất hiện nhiều ở vùng Đông Bắc. 
IMG-4909-JPG-9550-1432713297.jpg
Mắc khén có vị cay ấm, mùi thơm đặc trưng, dùng để ướp thịt nướng và món chấm, có nhiều ở vùng cao nguyên Tây Bắc. 
IMG-4911-JPG-5239-1432713297.jpg
Hạt dỗi thơm mùi xá xị, dùng để ướp thịt nướng hay cho vào nước chấm, thường thấy ở cao nguyên Đông Bắc. 
IMG-4922-JPG-9240-1432713297.jpg
Tiêu rừng hay còn gọi là trái sả, phổ biến tại vùng núi Ba Tơ (Quảng Ngãi). Gia vị này cay thơm mùi sả dùng để ướp món nướng hay pha chế nước chấm. 
IMG-4892-JPG-9485-1432699628.jpg
Ban tổ chức cũng đã lần đầu tiên cho ra mắt cuốn sách "Chiếc thìa vàng và tinh hoa ẩm thực" ghi lại công thức, cách chọn nguyên liệu, gia vị, chế biến và trình bày món ăn sao cho đẹp mắt. Cuốn sách còn giới thiệu về những nét độc đáo của nền ẩm thực Việt cùng những gia vị đặc trưng của từng vùng miền.