Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Sắc màu ẩm thực Hong Kong

Không phải ngẫu nhiên mà Hong Kong được Nhật báo Independent của Anh Quốc ngợi ca là “thủ đô ẩm thực” của châu Á. Với hơn 11.000 nhà hàng chuyên các món ăn Âu - Á, xứ Cảng Thơm thực sự là thánh địa cho người sành ăn.

Bạn có thể tìm thấy đủ các món chiên xào vỉa hè, mì hoành thánh cho tới cua sốt cay hảo hạng, dim sum đặc trưng cho sắc màu ẩm thực đa dạng của Hong Kong. Dưới đây là một số gợi ý những món ăn nổi bật nhất định phải thử khi bạn đến Hong Kong.
Dim Sum

Dim Sum
Dim sum là tên gọi chung của tất cả các món ăn điểm tâm sáng được chế biến theo kiểu bọc một lớp bột mỏng ở bên ngoài, bên trong là nhân, bao gồm cả đồ mặn, đồ ngọt, đồ chiên hay đồ hấp. Truyền thống thưởng thức dim sum bắt nguồn từ ảnh hưởng văn hóa của người Quảng Đông với các phòng trà náo nhiệt, những món ăn được bày biện trong các hộp bằng tre xếp chồng lên nhau đã ăn sâu bén rễ vào đời sống sinh hoạt của người dân Hong Kong.

Maxim’s Palace là nhà hàng được nhiều du khách lựa chọn để thưởng thức dim sum với không gian thưởng thức nhìn ra phía cảng Victoria tuyệt đẹp. Bạn có thể gọi một số món dim sum truyền thống để tận hưởng tinh túy của ẩm thực Trung Hoa như món har gau (há cảo tôm hấp) – di sản đặc sắc của ẩm thực Quảng Đông, siu mai (xíu mại) có từ thời nhà Nguyên cách nay khoảng 800 năm, char siu bao (bánh bao xá xíu) và cheung fun (bánh cuốn). Một địa điểm khác đã nổi tiếng về món dim sum hơn 80 năm qua trong giới lao động ở Hong Kong nhưng lại khá lạ lẫm với du khách quốc tế, đó là trà quán Lin Heung. Đến với trà quán, bạn như được hồi tưởng lại Hong Kong thập niên 30 với các cô phục vụ đẩy những chiếc xe đồ ăn cũ kỹ chất đầy các món ăn ngon như sườn lợn và chân gà béo ngậy, còn các anh bồi bàn rót nước trà nóng bỏng từ những chiếc ấm thép khổng lồ cho khách.

Dai Pai Dong

Nếu phương Tây có những bữa tiệc sang trọng kiểu nướng BBQ, thì đến Hong Kong, du khách không thể bỏ lỡ dịp lê la trong các quán vỉa hè gọi là Dai Pai Dong. Bạn có thể ngồi xuống một chiếc ghế nhựa cùng bạn bè quây quần quanh một chiếc bàn gỗ hình tròn và tận mắt chứng kiến những món ăn thơm ngon như hải sản áp chảo, cơm chiên, mì… được nấu trực tiếp tại bếp ngoài trời. Wok – hei - nghệ thuật nấu ăn với một cái chảo siêu lớn đã trở thành tuyệt kĩ của các đầu bếp quán dai pai dong khiến mọi giác quan của thực khách không thể ngủ yên.
Dim Sum
Những nơi để thưởng thức dai pai dong ngon nhất Hong Kong có thể kể đến là đường Stanley ở khu Central, trong đó có quán Hup Kee, quán Yue Hing nổi tiếng với món sandwich Hong Kong “cách tân” với sự bao phủ bơ đậu phộng và bắp cải luộc lên các nguyên liệu truyền thống là thịt lợn muối, giăm bông và trứng. Ngoài ra, du khách cũng có thể trải nghiệm thưởng thức dai pai dong trên nhà hàng nổi đầu tiên Shun Kee để thấm nhuần hương vị hải sản truyền thống hải sản Quảng Đông.

Các món mì với mọi kích cỡ là món ăn yêu thích của người dân Hong Kong. Không khó để bạn kiếm một quán ăn phục vụ mì trộn, mì nước và mì xào. Mì hoành thánh với sủi cảo nhân thịt heo và tôm được kết hợp hoàn hảo với sợi mì trứng vàng trong nước súp đậm ở quán mì Mak là món nổi tiếng mà nhiều du khách tìm đến thưởng thức. Quán mì gia đình này mở cửa cách nay 46 năm và được điều hành bởi 3 thế hệ, trứ danh bởi cách chế biến tuân theo đúng công thức truyền thống một cách chính xác để đem lại hương vị hoàn hảo cho món mì.

Nhà hàng Kau Kee hơn 90 năm tuổi cũng nổi tiếng bởi món mì ức thịt bò luôn thu hút đông thực khách xếp hàng tràn xuống dưới phố để chờ gọi món. Và để tìm đến những món ăn nhanh đúng chất Quảng Đông thì không nơi nào qua được Tsui Wah, một chuỗi nhà hàng địa phương phục vụ các món cha chaan teng truyền thống như mì ăn liền thịt bò sa tế, sandwich trứng và giăm bông, cơm chiên Dương Châu.
Các món tráng miệng

Các món tráng miệng

Hong Kong có rất nhiều món tráng miệng và món ăn nhẹ Quảng Đông để làm thỏa mãn cơn “khát” khám phá ẩm thực xứ Cảng Thơm một cách trọn vẹn. Nhà hàng lâu đời Yuen Kee chuyên phục vụ các món bánh tráng miệng như bánh vừng đen hay chè đậu các loại sẽ là một gợi ý hay dành cho bạn. Bạn cũng có thể đến tiệm bánh Wing Wah trứ danh với món bánh trứng cuộn giòn và bánh bà xã (nhân bí đao, hạnh nhân, mè) nổi tiếng trên toàn thế giới. Và cuối cùng để tận hưởng vị ngọt bất tận của những món ăn nhẹ đường phố, bạn nhất định phải nếm thử bánh quế trứng phồng tại quán Master Low Key Food với vỏ bánh giòn và sự mềm mịn của nhân bánh bên trong.

Hiện, Vietrantour là một trong số ít các đơn vị liên tục tổ chức đoàn khách du lịch Hong Kong qua tour Hong Kong – Disneyland 4 ngày, khởi hành ngày 20, 22/3 và 10, 17, 26, 30/4; 23, 29/5; 6, 12, 20, 26/6 giá từ 10.990.000 đồng; Hong Kong – Macau 4 ngày, khởi hành 6, 13, 29, 24, 31/5, giá từ 15.500.000 đồng; Hong Kong – Chu Hải – Macau 5 ngày, khởi hành 11, 18/3 và 29/4; 6, 13, 20, 24, 31/5, giá từ 18.900.000 đồng. Đặc biệt, từ nay đến hết 31/3/2015, khách hàng hoàn tất thủ tục đặt tour bất kì có giá trị từ 3.000.000 đồng trở lên sẽ được tặng một thẻ cào may mắn với cơ hội giành 3 suất tour Hong Kong, mỗi suất trị giá 15.000.000 đồng và nhiều phần quà giá trị khác.

Ngon, lạ gỏi cá hoa chuối của người Thái miền Tây Bắc

 Dân gian thường có câu: “Người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước”. Tập quán sinh sống lâu đời tại ven các con suối con sông lớn đã khiến dân tộc Thái nổi tiếng với cách chế biến các món ăn liên quan tới cá, độc đáo, thơm ngon và hấp dẫn.

Ngoài món món cá nướng (pa pỉnh tộp) đã được giới thiệu rộng rãi trong cả nước, có thể kể đến món gỏi cá với hoa chuối rừng. Đây là một món ăn khá cầu kỳ, thú vị.

Cá để làm gỏi thường là loại chép sông, suối to từ 1kg trở lên. Như vậy đến lúc lấy ra, lườn thịt cá mới dày, ăn mới ngon. Cá sau khi bắt về phải được chế biến ngay để đảm bảo vị tươi ngon. Rửa sạch cá rồi lấy con dao mài thật sắc làm sạch cá, lọc lấy hai lườn thịt,thịt cá sông suối rất ngon, nhiều khi bắt được con cá to, thịt lọc ra có màu nâu đậm dai và ngọt.
 
Gỏi cá hoa chuối của người Thái miền Tây Bắc
Món gỏi này chỉ lấy hai lườn thịt nên đầu đuôi cá còn thì để nấu canh chua. Sau khi đã lọc được thịt cá, rửa ngay vào nước muối đặc rồi bọc vào trong giấy trắng sạch. Vậy là sơ chế cá đã xong.

Đi rừng bắt được con cá ngon là tìm ngay bông hoa chuối chặt về để chuẩn bị làm món gỏi cá. Hoa chuối được thái sợi, ngâm trong nước có vắt vài quả chanh, thì sau lấy ra hoa chuối mới trắng đẹp.

Ở một số vùng người Thái, họ không thích ăn món gỏi cá với hoa chuối mà với cây chuối non. Về cơ bản thì hai món gỏi này có cách chế biến và hương vị gần giống nhau. Chặt lấy thân cây chuối non, bóc mấy lớp bẹ già bên ngoài,chỉ để lại phần lõi chuối nõn nà, trắng trắng, mềm mềm. Cũng thái nhỏ rồi ngâm vào nước muối cho bớt chát, bớt nhựa.

Gỏi cá hoa chuối của người Thái miền Tây Bắc

Người Thái có một bí quyết tạo nên hương vị đặc biệt của món gỏi cá đó chính là cách pha nước trộn gỏi. Thay vì dùng chanh pha chua ngọt như các món gỏi thông thường, bà con dùng nước măng chua để làm nước trộn. Nước măng chua được lấy từ trong hũ măng được ngâm cả năm, thơm mùi măng. Dùng để nấu các món canh chua, trộn gỏi đều rất ngon...

Đun chín nước măng chua, rồi gia giảm các gia vị còn lại cho đủ vị chua cay mặn ngọt. Mang hai miếng cá được bọc khô lúc đầu ra thái mỏng,cùng hoa chuối và nước trộn, thêm vài loại rau thơm trộn đều. bày ra đĩa. Vậy là đã xong món gỏi cá với hoa chuối.

Gỏi cá hoa chuối của người Thái miền Tây Bắc

Trong bữa cơm đãi khách, có món gỏi cá trộn hoa chuối là khách vui lắm. Biết mình là khách quý mới được chủ nhà làm cho món ăn ngon như vậy để nhắm rượu. Gắp miếng gỏi cá, trong vị ngọt dai dai của cá là vị giòn giòn của hoa chuối, dậy mùi rau thơm. Nhấp chén rượu cay nồng tưởng chừng như câu chuyện bên bàn rượu nói mãi không dứt..

Hãy ghé qua Tây Bắc mùa xuân này, để cùng thưởng thức món gỏi cá trộn hoa chuối thơm ngon, độc đáo.
                                                                                               
An Du

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Những món ăn vặt ở xứ sở của những điệu nhảy Samba cuồng nhiệt

Đến Brazil, ngoài được thưởng thức những điệu nhảy Samba cuồng nhiệt, bạn đừng quên tận hưởng những món ăn vặt ngon tuyệt cú mèo.

Bánh Tapioca
Những món ăn vặt ở xứ sở của những điệu nhảy Samba cuồng nhiệt
Bánh là bột mì cán mỏng nướng giòn, khi ăn sẽ được kẹp với nhân kem, chuối, pho mát, chocolate. Ăn miếng bánh vừa mềm, vừa giòn của vỏ bánh, vị chocolate thơm ngọt nhẹ bạn sẽ cảm thấy món ăn rất ngon với hương vị khó tả, là món ăn vặt khá phổ biến ở đất nước nổi tiếng này. Du khách có thể bắt gặp những tiệm bán tapioca ở khắp các con phố vào bất kỳ thời gian nào trong ngày. Bánh có vị ngọt nhẹ và xốp khá hấp dẫn thực khách.

Quindim
Quindim là món bánh ngọt truyền thống của người Brazil có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha. Món bánh với thành phần chính là lòng đỏ trứng, dừa nạo, sữa đặc nên có vị ngọt thơm béo ngậy của dừa. Đây là món ăn tráng miệng khá phổ biến tại Brazil. Theo công thức truyền thống, bơ sẽ được đun cho tan chảy rồi trộn với các thành phần còn lại sau đó để qua đêm trước khi đem nướng. Bánh được nướng ở nhiệt độ 150 - 180 độ C cho tới khi lớp vỏ bên ngòai chuyển thành màu nâu vàng bắt mắt. Bánh có thể dùng nóng hoặc để lạnh đều rất tuyệt.
Beijinho de Coco

Beijinho de Coco
Bejinho de Coco gần giống món bánh sữa ở Việt Nam. Đây là món bánh được làm từ những nguyên liệu khá dễ tìm là từ sữa, bơ và dừa khô. Sữa, bơ và dừa khô được trộn cùng với nhau và đun trên chảo nóng cho tới khi hỗn hợp trở nên đặc và quánh lại thì bắc xuống. Điểm khác biệt là bánh khi làm được lăn với dừa tươi tạo hương vị vô cùng thơm ngon, được người dân Brazil rất yêu thích. Đặc biệt trong các dịp sinh nhật của trẻ nhỏ, các bà mẹ sẽ không thể quên món này trong danh sách những món cần mua.
Creme de Papaya
Creme de Papaya
Creme de Papaya

Crème de papaya là món ăn khá phổ biến tại Brazil vào những năm 1990, khá hấp dẫn du khách khi đặt chân đến xứ sở này. Crème de Papaya được hiểu là kem đu đủ. Nguyên liệu chỉ bao gồm đu đủ, kem va ni. Nhưng ở đây có cách chế biến đặc biệt hơn các vùng khác. Người ta thêm chút vị nồng của rượu lên trên khiến ly kem bắt mắt khiến bất cứ ai cũng mê mẩn. Không quá cầu kỳ, bạn chỉ cần mất vài phút chờ là có một ly mát kem mát rượi ở xứ sở của bò tót.
Song An (Tổng hợp)

Bún đũa Thành Nam danh bất hư truyền

Chỉ có bán ở vỉa hè, bún đũa Thành Nam hút thực khách với món nước dùng thơm lừng, béo ngậy cùng những cọng bún to tròn, trắng phau ẩn hiện dưới màu vàng của mỡ hành, của gạch cua, màu trắng của giá, xanh của rau…

Gần giống như bánh canh ở miền Nam nhưng bún đũa ở Nam Định có sự khác biệt không thể lẫn: sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không hề nhũn, thường ăn kèm với rau muống, rau cải, rau kinh giới.
Bát bún đầy đặn với gạch cua “hào phóng” với giá phải chăng.
Bát bún đầy đặn với gạch cua “hào phóng” với giá phải chăng.

Muốn ăn bún đũa, thực khách không thể tìm thấy trong thực đơn của nhà hàng hay khách sạn mà chỉ có ở chợ và quán vỉa hè của Nam Định. Bún đũa kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, thơm dậy mùi của cua đồng.

Bún đũa kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, thơm dậy mùi của cua đồng. Món bún đũa riêu cua luôn được ăn kèm với rau, mùa nào rau đấy có thể rau muống, rau cải..., đến mùa rau nhút thì thêm vài cọng để tăng thêm hương vị cho bát bún. Nồi riêu cua bao giờ cũng vàng, màu mỡ phi hành và chút gạch cua khêu từ mai cua, óng ánh, hấp dẫn, thơm tho, béo ngậy.

Mặt nồi riêu bao giờ cũng nổi chìm lập lờ từng mảng gạch cua, mới trông đã thấy xôm xốp, ngọt ngào. Thứ rau gia vị ăn kèm không thể thiếu là kinh giới, tía tô, rau mùi ta, húng láng, rau ngổ ba lá xanh rờn... và thậm chí có thể thêm ít giá sống.

Dạo quanh các chợ Ngõ Ngang, chợ Rồng hay phố Hàng Đồng, không nên bỏ lỡ cơ hội để thưởng thức bát bún đũa riêu cua có vị chua thanh thanh nhẹ nhàng. Bún đũa Thành Nam mùa nào cũng được ưa chuộng cũng bởi ăn ngon mà không quá no.
Khi nói đến đặc sản Nam Định người ta lại nghĩ đến món bún đũa.
Khi nói đến đặc sản Nam Định người ta lại nghĩ đến món bún đũa.

Bát bún đầy đặn với gạch cua “hào phóng” với giá phải chăng. Món bún đũa ấy ít khi nóng bỏng lưỡi. Không sao, thì chỉ là tạm lót lòng, cho đôi chân duỗi ra tí chút, đâu phải bữa tiệc linh đình mà kén chọn, chê bai. Tuy vậy, nhưng bát bún đũa riêu cua bình dị ấy có khi còn theo ta bao năm tháng sau này nữa cũng chưa biết chừng, nó sẽ thành kỷ niệm trên nẻo đường quê thân tình nồng đượm.

Bún đũa là món ăn lành tính, không gây nặng bụng, một món ăn lót dạ có thể dùng ở bữa nào cũng được, hơn cách chế biến món ăn này lại đơn giản chứ không hề phức tạp. Chính vì thế, bún đũa rất hợp với nhiều người từ già tới trẻ, với nhiều người làm những nghề khác nhau. Một món ăn dân dã, không quá cầu kỳ nhưng đáp ứng được vị ngon và no, không biết từ bao giờ đã nối tiếng khắp nơi. Khi nói đến đặc sản Nam Định người ta lại nghĩ đến món bún đũa.

Thưởng thức một bát bún đang bốc khói với những sợi bún trắng to, nổi bật trên những những mảng gạch cua hồng hồng, một ít màu trắng của cọng giá và màu xanh của rau, húp một ít nước béo đậm đà kèm theo chút gia vị ớt khô chưng mỡ sẽ ngon dần đến rân rân cảm giác vô cùng thú vị.

Bún đũa có từ lâu đời, đã làm mê mẩn không biết bao nhiêu thế hệ người dân thành Nam nay lại thêm thu hút thực khách gần xa.

Minh Phan

5 loài cá tiến Vua dành cho thực khách sành ăn

Với hương vị độc đáo, thơm ngon và quý hiếm, cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Dầm Xanh, cá Chiên, cá Bò Hòm được nhiều thực khách sành ăn săn tìm. Đây cũng chính là những loài cá tiến Vua danh bất hư truyền thời xưa.

1. Cá Anh Vũ
Phần ngon nhất ở con cá là phần sụn môi (ảnh: ĐSPL).
Phần ngon nhất ở con cá là phần sụn môi (ảnh: ĐSPL).

Loài cá quý hiếm này chỉ ăn rêu tảo và sống ở nước trong, trong những hang đá sâu và khi nước lạnh mới mò ra tìm mồi. Vì vậy, việc bắt được một con Anh Vũ là cả một kỳ công, có khi phải đổi cả tính mạng bởi cá chỉ ra kiếm ăn vào mùa lạnh, nhiều người dân phải nín thở lặn để bắt cá.

Tuy nhiên thịt cá Anh Vũ lại ngon nức tiếng, xưa kia đã dùng để tiến vua. Theo sử sách, một ngư dân vào thời Hùng Vương thứ 3 đã bắt được một con cá lạ, mình vảy xanh óng ánh, bụng vẩy trắng, vây đỏ, môi giống môi lợn ở khu vực ngã ba sông Việt Trì, nên đã đem tiến vua. Khi ăn, nhà vua thấy thịt ngọn đậm, thơm nên chỉ dụ người dân khi bắt được cá phải đem tiến vua. Ngày nay, do bị đánh bắt quá mức nên hầu như cá tự nhiên bị tuyệt chủng. Nhiều thực khách nhà giàu phải bỏ ra số tiền lớn để thưởng thức loại cá này.

2. Cá dầm xanh
Cá dầm (ảnh: nongnghiep.vn)
Cá dầm (ảnh: nongnghiep.vn)

Cá dầm xanh từng được sử sách chép lại dùng để tiến vua, rất ngon, bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao. Thường cá sống ở sống ở tầng đáy của sông ở những dải đá ngầm, ăn các loại tảo, mùn bã hữu cơ, động vật không xương sống cỡ nhỏ ở đáy sông. Cá di cư theo mùa, theo độ trong của nước, khi nước đục cá thường ở trong hang.

Đây là một loài cá quý có xương mềm, thịt ngọt, đặc biệt bộ trứng bùi ngầy ngậy rất hấp dẫn. Không như nhiều loại cá khác thường chỉ ngon khi có kích cỡ lớn, thịt rầm xanh ngon từ lúc con cá nhỏ như đầu ngón tay cho tới khi có trọng lượng trung bình 6-7kg. Cá có thể chế biến thành rất nhiều món ngon, được dân sành ăn khắp nơi săn tìm.

3. Cá Lăng
Là một loài cá không có xương dăm, thịt rất ngon nên rất được ưa chuộng. Chả cá Lã Vọng ở Hà Nội trở nên nổi tiếng cũng nhờ làm từ loài cá này. Ở vùng Phú Thọ cá lăng hiện diện ở hầu hết các nhà hàng cá sông, nhiều nhà hàng chỉ bán độc nhất các món ăn chế biến từ cá lăng. Cá lăng miệng có râu, thường sống ở tầng đáy của sông, nơi có nhiều phù sa. Cá ăn côn trùng, tôm, tép, cua, cá con. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ngon.
Bốn loài cá tiến Vua nổi tiếng giữa lòng sông Lô
Từ xa xưa loài cá này đã trở thành đặc sản tiến vua bởi mùi vị rất đặc trưng của nó. Thịt cá thơm, ít xương dăm, giàu chất dinh dưỡng. Cá Lăng khi ẩn mình trong hang thường nhẩn nha ăn rêu bám trên vách đá. Đó cũng là lý do để thịt cá săn chắc thơm ngọt.
Cho đến nay thịt cá đã trở thành loại đặc sản quí hiếm có giá trị cao. Người đi câu, đi đánh lưới quăng nếu được cá Lăng thường dành để biếu cha mẹ hoặc đãi khách quí. Thịt cá Lăng ngon nên chế biến kiểu gì cũng ngon và độc đáo.
4. Cá chiên
Cá chiên là đặc sản của sông Lô, sông Gâm (Ảnh: NNVN).
Cá chiên là đặc sản của sông Lô, sông Gâm (Ảnh: NNVN).

Trên sông Lô, sông Gâm (chảy qua địa phận Tuyên Quang) có rất nhiều loại cá đặc sản quý hiếm. Do đặc điểm sông ở đây có độ dốc lớn, vận tốc dòng nước chảy siết qua nhiều dải đá ngầm nên để thích ứng với đặc điểm sống này, các loài cá sống ở đây thường rất khỏe, khả năng bơi, di chuyển vượt thác tốt. Cá chiên được mệnh danh là chúa tể của lòng sông bởi cá rất khỏe, miệng cứng như đá và có con to nặng tới vài chục kg.

Thịt cá chiên rất ngon, nhưng loài cá này nổi tiếng nhờ bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật, là đặc sản mà nhiều dân sành ăn săn tìm. Loài cá có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ngon.

5. Cá bò hòm

Được gọi là cá bò hòm vì ngư dân cho rằng loại cá này cùng họ với các loại cá có da dày và nhám, như bò gù, bò da... Còn “hòm” có lẽ hình dáng nó vuông vắn trông giống chiếc thùng gỗ với lớp da lốm đốm đen và chiếc đuôi ngắn ngủn. Nhiều nơi gọi cá này là “gà nước mặn” vì thịt nó trắng hơn thịt gà; trừ xương sống, toàn thân cá là thịt không lẫn chút xương nào cả. Đây là loài cá quý hiếm sống ở các vùng biển lặng, vùng vịnh và rất khó câu hay đánh bắt.

Cá bò hòm thịt chắc nịch, ít xương dăm, hương vị rất thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Người ta có thể chế biến thành nhiều món nhưng cá hấp là món ăn phổ biến hơn cả bởi cách chế biến đơn giản, lại chẳng cần phải thêm gia vị cầu kỳ. Đây là loài cá quý hiếm mà giới sành ăn thường săn tìm.
Thu Hà

Buổi trưa lang thang ở Hà Thành nên thử món gì

Không có điều gì thích thú bằng việc lang thang đường phố thưởng thức những món ăn trưa ngon khó cưỡng ở Hà Nội. Bún chả, Bánh cuốn, hay chả cá là một trong những món ăn bạn nên thử khi lang thang ở Hà Nội vào buổi trưa.

Bún chả

Bún chả vừa dễ ăn, giá cả lại rất hợp lý (Ảnh: Vietnamnet).
Bún chả vừa dễ ăn, giá cả lại rất hợp lý (Ảnh: Vietnamnet).
Bún chả là cái tên không còn xa lạ với người dân Hà Nội. Bún chả vừa rẻ vừa ngon, không quá khô lại mặn mà vị thịt, có bún nhạt, rau dưa nước chấm ăn kèm nên chẳng lo ngán. Nhà mất điện không kịp nấu cơm thì món thay thế, giới trẻ Hà Nội nghĩ ngay đến là bún chả. Không chỉ người sống ở thủ đô, món bún chả Hà Nội cũng rất được các vùng miền khác yêu thích, có rất nhiều nhà hàng bún chả Hà Nội ở khắp các vùng miền Việt Nam. Một số phóng viên nước ngoài chuyên viết về du lịch đánh giá rất cao về món ăn lạ lẫm này ở Hà Nội.

Bún chả được bán khắp tại các quán ăn ở Hà Nội từ nhà hàng sang trọng đến những quán ăn vỉa hè. Giá cả của đồ ăn này cũng rất bình dân.

Miếng chả nhỏ xinh được nướng hơi cháy xém có vị thơm nồng của gia vị tẩm ướp, ăn với nước mắn chua ngọt với dấm, tỏi, ớt, hạt tiêu thơm lừng trộn cùng đu đủ xanh cắt thành từng miếng nhỏ. Kèm theo đó là bún sợi thanh thanh mát mát và các loại rau sống khác, đặc biệt ăn bún chả không thể thiếu rau tía tô.

Bánh cuốn nhân thịt
Bánh cuốn nhân thịt món ngon cho ngày đông Hà Nội (ảnh: VTV).
Bánh cuốn nhân thịt món ngon cho ngày đông Hà Nội (ảnh: VTV).
Người Hà Nội thường thích những món ăn thanh nhã, ít dầu mỡ bánh cuốn chính là một món ăn ngon đặc trưng của đất Hà Thành. Gạo để tráng bánh phải được lựa chọn rất kỹ sau đó xay thành bột pha với nước rồi tráng trên bếp những lớp bánh mỏng dính. Bà chủ quán nhanh tay lấy hớt lớp bánh còn nóng ra đĩa sau đó rắc thịt heo được rang với nấm hương rồi cuộn lại cuối cùng rắc một lớp ruốc tôm lên trên. Ăn kèm với nước mắm với cà cuống và chả quế.

Thứ bánh cuốn nhân thịt ở Hà Nội khá đặc biệt và hấp dẫn thực khách. Bột làm bánh là gạo được xay ướt nên rất mịn. Sau khi đã được làm chín bởi hơi nước, lá bánh sẽ được cuốn lại với nhân thịt, mộc nhĩ và nấm hương đã được làm chín. Sau đó người làm bánh sẽ dùng thanh tre chia bánh vừa cuốn đó ra làm 4 khúc ngắn hơn và bày vào đĩa. Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi... Bánh cuốn sẽ được thưởng thức cùng với bát nước chấm có vài lát chả và chút hành khô trong đó.


Chả cá

Không thua kém gì món phở, chả cá Lã Vọng cũng đã đi vào lòng biết bao du khách khi đi du lịch Hà Nội.

Trước đây, phố phường Hà Nội có một con phố tên Hàng Sơn, nhưng khoảng 100 năm qua, con phố này đã được đổi tên là phố Chả Cá vì chính những khách hàng ưa chuộng món đặc sản ở đây – món chả cá lã vọng. Món đặc sản ấy từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực tinh tế lịch lãm của người Tràng An.

Cá được chiên trên một chảo dầu nhỏ, mỗi bàn ăn sẽ có một bếp than hoa nho nhỏ cùng chảo cá đặt bên trên. Cá ăn kèm với bánh đa nướng, bún rỗi, cùng với đó là lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường. Món ăn đậm vị ngọt bùi, beo béo.

Những người sành ăn cho biết chả cá Lã Vọng xưa làm từ cá lăng tươi bắt ở sông. Đây là loại cá có thịt chắc, trắng và có vị thơm ngon, lại không có xương dăm. Tuy nhiên, cá lăng tự nhiên bây giờ rất hiếm hoi và thường chỉ có cá nuôi, điều này cũng làm giảm bớt độ ngon của chả cá hơn trước đây ăn chả cá phải nóng mới ngon. Thì là, hành hoa được nhúng chung vào chảo dầu cho chín tái, thêm chút bún, rau mùi, rau húng đậu phộng rang…chấm bằng mắm tôm đã pha chế nước cốt chanh, ớt, rượu, mỡ nóng đường, đánh mạnh tay cho nổi bọt. Vị ngọt béo, bùi của các thơm nồng của rau thơm quyện nơi đầu lưỡi khiến thực khách ăn rồi nhớ mãi.

Hữu Thắng

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Về Tuy Phước ăn bánh xèo tôm nhảy rau mầm

Miếng bánh tráng mỏng gói bên trong là nhân tôm vừa mới chiên, thêm một chút rau mầm, vài sợi xoài chua đem chấm vào bát nước mắm tỏi ớt đậm vị, làm nên món ăn dân dã ngon đến bất ngờ của miền đất võ Bình Định.

Thú vị ngay từ cái tên, bánh xèo tôm nhảy từ lâu đã trở thành thức quà riêng có của quê hương Bình Định, đặc biệt là khu ven biển thành phố Quy Nhơn. Những người sành ăn thường rủ nhau mỗi cuối tuần tìm về tận nơi khởi nguồn ở thôn Mỹ Cang, huyện Tuy Phước (cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km) để thưởng thức trọn vẹn nhất hương vị của món ăn này.
Duy-Thinh-5998-1400465583.jpg
Món bánh đơn giản nhưng đậm đà nghĩa tình, nức tiếng gần xa của người dân đất võ. Ảnh: Duy Thịnh.
Điều hấp dẫn và đặc biệt nhất đối với những người lần đầu tiên thưởng thức bánh xèo tôm nhảy là nhân bánh chỉ độc một mình tôm. Mỗi cái bánh vàng ươm ra lò có chừng 7 đến 8 con tôm tròn mẩy, chín đỏ au nổi lên trên mặt bánh trông đầy hấp dẫn và lôi cuốn. Có lẽ chính những con tôm đất tươi rói được bắt ở đầm Thị Nại hay sông Gò Bồi vào mỗi buổi sáng sớm dùng để làm bánh ấy khiến cho người ta liên tưởng đến món bánh với tên gọi nghe vui tai như vậy. Loại tôm này nhỏ, nhưng chắc và thơm thịt, khi chín sẽ đỏ au, ăn vào thấy ngọt bùi đến lạ. 
Gạo làm bánh được người làm kỳ công lựa chọn rất cẩn thận. Đó là thứ gạo thơm ở cánh đồng khu Đông, sau khi ngâm qua đêm cùng chút muối cho bớt chua sẽ được xay cùng bột nghệ và một chút nước cốt dừa. Nếu xay thủ công bằng cối đá bột sẽ càng dai, mềm mịn và ngon hơn. 
Duy-Thinh-2066-1400465583.jpg
Bí quyết để có một chiếc bánh ngon là phải chiên trên chảo gang bằng than hoa và giữ lửa đều tay. Ảnh: Duy Thịnh.
Để chiếc bánh được thơm ngon, giòn đều, người ta thường chiên trên bếp củi, dùng miếng mỡ chài xoa đều một lớp mỏng lên mặt chảo, khi lớp mỡ nóng già mới đổ bột bánh vào, nhanh tay cho tôm và rắc vài mầm giá đỗ, hành lá xắt khúc rải lên trên cho thêm phần hấp dẫn. Chỉ chừng 3 phút sau, bánh đã tỏa mùi hương thơm lựng đầy mời gọi. Đến khi mặt dưới của chiếc bánh vàng giòn, viền bánh co lại và giá đỗ tái đi là có thể đem ra dùng nóng.
Tuan-Tuan-2783-1400465584.jpg
Món ăn chơi còn được người dân ở đây dùng thay cơm vào những ngày nắng nóng. Ảnh: Tuấn Tuấn.
Người dân Tuy Phước thường ăn kèm rau mầm với bánh xèo tôm nhảy cho bớt ngán. Loại rau xanh mươn mướt ấy ăn hơi the cay nhưng rất mát và bổ, cùng với xoài chua thái sợi và vài thứ rau sống khác. Khi ăn, tất cả được cuộn trong miếng bánh tráng chấm mắm tỏi ớt nữa mới đúng điệu. Người thích vị đậm hơn còn ăn kèm với vài tép tỏi tươi đến từ vùng Lý Sơn, để hương vị càng thêm nồng đượm. 
Bánh xèo tôm nhảy rau mầm rất dễ ăn, chiều lòng được cả những vị khó tính nhất bởi cái chất dân dã quyện hòa và hương vị thanh mát, thơm ngon không dễ gì quên được. 
Lê Thương

10 món ngon phải thử khi đến Hải Phòng

Với ẩm thực phong phú và mang nét riêng trong từng hương vị, bạn đừng bỏ lỡ bánh đa cua, nem cua bể hay bánh mì cay khi đến đất Cảng.
Chỉ cách Hà Nội 100 km, thành phố Hoa Phượng Đỏ bắt đầu vào hè bằng những đường phố ngập sắc hoa học trò và đông đảo khách du lịch ghé thăm.
1. Bánh đa cua
Nhắc đến Hải Phòng, là nhắc đến bánh đa cua- món ăn trứ danh theo người xứ Cảng đi khắp đất nước. Một bát bánh đa cua có sợi bánh đa đỏ, nước cua vàng sánh, gạch cua béo ngậy, chả lá lốt, chả thịt… ăn kèm rau sống, hoa chuối mang đến vị đậm đà nhưng vẫn thanh mát. Bạn có thể lựa chọn bánh đa cua đồng ở đường Minh Khai, cổng Bệnh viện Da liễu trên đường Trần Phú, đường Đà Nẵng… hoặc bánh đa cua bể ở đường Cầu Đất.
1-JPG-3594-1401414090.jpg
Bánh đa cua.
2. Nem cua bể
Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông bằng lòn bàn tay, nên còn được gọi là nem vuông. Nhân nem gồm có thịt cua loại ngon, mình dày, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, giá… được tẩm ướp gia vị. Nem cua bể ăn kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới,  thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm nên sức hấp dẫn của đặc sản biển nem cua bể. Nem Hải Phòng nổi tiếng nhất là ở đường Trần Nhật Duật (chợ Cố Đạo).
2-8341-1401414090.jpg
Nem cua bể.
3. Bún cá thập cẩm
Bún cá Hải Phòng có hương vị đặc trưng của vùng biển lại có nét bình dị của đồng quê bởi nó được chế biến từ cả hai loại cá: cá biển (cá thu) và cá đồng. Một tô bún cá thập cẩm thường có trứng cá, chả cá, cá chiên giòn, dạ dày cá, thậm chí là bong bóng cá, tạo nên vị ngon độc đáo. Những quán bún cá ngon ở Hải Phòng ở các đường Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Lê Quýnh, Tô Hiệu…
4. Bánh mì cay
Bánh mì cay là món khoái khẩu của học sinh, sinh viên đất Cảng. Điều đặc biệt là những chiếc bánh mì ở đây chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Người bán hàng xẻ dọc chiếc bánh mì, quết vào ruột bánh một lớp patê, một chút mỡ rồi cho vào lò nướng để bánh đạt độ giòn, đồng thời lớp mỡ tan ra, quyện vào patê tỏa một mùi thơm quyến rũ. Yếu tố quyết định và làm nên độ cay nổi tiếng là chí chương, một loại tương ớt đặc biệt, cay nồng và đỏ tươi. Bánh mì cay được bán ở nhiều đường phố như Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi…
5. Bánh bèo
Bánh bèo Hải Phòng từ hình dáng đến mùi vị khác hoàn toàn với bánh bèo miền Trung. Bánh làm từ bột gạo, nhân thịt băm mộc nhĩ xào thơm, đổ trong lá chuối, gói hình chữ nhật, khi ăn cắt 6, ăn nóng kèm nước mắm vắt chanh. Các quán bánh bèo ngon ở đường Cát Dài, Lê Đại Hành, chợ Cát Bi, chợ Lương Văn Can…
6. Lẩu cua đồng
Lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng có những đặc trưng không thể lẫn với nơi khác. Nồi nước dùng đậm đà và nhiều gạch, đồ nhúng phong phú, gồm thịt bò, giò sống, lòng non, chả cá, rau sống, hoa chuối, mồng tơi và ăn kèm bánh đa đỏ. Địa chỉ ruột của món này là đường Văn Cao.
7. Cơm cháy hải sản
Vẫn là cơm cháy giòn giòn, thơm gạo ngon nhưng nét đặc trưng của đất Cảng thể hiện qua nước sốt hải sản và tôm, cua mực. Mùi vị đậm đà nhưng không hề ngấy tạo cho người ăn nhớ mãi nếu có dịp thưởng thức món cơm cháy hải sản được bán ở phố Tam Bạc, Phan Đình Phùng…
8. Bánh cuốn chả
Bánh cuốn được tráng mỏng, trắng mịn, rắc ít ruốc và vài lát hành khô thơm phức lên trên, chấm với nước mắm Cát Hải pha loãng thêm dấm, ớt, tỏi băm nhuyễn. Trong bát nước chấm có thêm chả lụa và chả thịt viên đậm đà. Bạn có thể ghé đường Cát Cụt, Lạch Tray (đoạn gần Đại học Hàng hải) để ăn bánh cuốn ngon.
5-8968-1401414091.jpg
Bánh cuốn chả.
9. Sủi dìn
Đây là món ăn vặt đường phố dân dã, có nguồn gốc từ những người Hoa sống tại Sài Gòn. Viên sủi dìn nho nhỏ trong nhân có vừng đen, lạc giã, cùi dừa nạo, được thả vào nồi nước đang sôi, khi chín vớt ra ăn cùng nước dùng sóng sánh thơm mùi mật mía. Bạn có thể ghé các gánh hàng rong bán sủi dìn ở đường Kỳ Đồng, cổng trường Ngô Quyền ở đường Mê Linh, chợ Ga…
10. Chè giun
Thức quà giải nhiệt này khá giống bánh lọt ở miền Nam, hoặc chè Thái. Sở dĩ có tên gọi độc đáo bởi những sợi bột gạo sau khi thành hình hơi giống… giun. Chè giun ăn cùng nước cốt dừa, đá bào, thêm ít hạt trân châu, có vị ngọt thanh, xua tan nóng nực của mùa hè. Bạn có thể ghé đường Đinh Tiên Hoàng, hoặc ngõ Đặng Kim Nở để thưởng thức món này.
Thanh Tuyết

Các món ngon trong dịp Tết Đoan Ngọ

Ngoài tác dụng diệt trừ sâu bọ như quan niệm dân gian, các món ăn trong ngày 5/5 âm lịch như thịt vịt, rượu nếp và bánh tro còn giúp giải nhiệt trong những ngày đầu hè oi bức.
Dù đi đâu, làm gì thì trong ngày 5/5 âm lịch, nhiều người cũng quên những ký ức về các món ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là ngày giết sâu bọ.
Cơm rượu nếp
Với ý nghĩa giết sâu bọ, cơm rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong sáng ngày Tết Đoan Ngọ. Bởi theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.
Cơm rượu nếp rất phổ biến trong cả nước nhưng ở mỗi vùng món ăn này lại có những đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc thì để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
K14-8209-1401682437.jpg
Cơm rượu nếp dân dã trong Tết Đoan Ngọ. Ảnh: laodong
Thịt vịt
Không phổ biến như cơm rượu nếp nhưng thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết "giết sâu bọ" của người dân miền Trung. Một số giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 âm lịch (lập hạ). Trong khi đó, một số lại quan niệm, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày mùng 5/5 (âm lịch) trở đi.
Vào ngày này, các chợ miền Trung và một số ở miền Bắc thường rộn rã việc mua bán vịt sống. Vịt sau khi mua về được chế biến thành nhiều món như vịt luộc chấm mắm gừng, vịt kho, bún măng vịt hay vịt om sấu ăn kèm bún. Trong đó phổ biến nhất là tiết canh vịt.
24h-6326-1401682437.jpg
Bún vịt thanh mát ngày hè. Ảnh: 24h
Bánh tro
Cùng với nhiều loại hoa quả đầu mùa như mận, vải, xoài, măng cụt..., bánh tro là món ăn truyền thống trong dịp tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú tro, bánh gio hay bánh âm. Bánh có màu vàng đậm do gạo nếp được ngâm từ nước tro đốt bằng củi các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.
Tùy từng nơi bánh được gói theo các hình dáng khác nhau như thuôn dài hay chóp tam giác. Bên trong bánh thường là nhân mặn hoặc ngọt, đôi khi không nhân. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.
gdptthegioi-8602-1401682437.jpg
Bánh tro. Ảnh: gdptthegioi
Bánh khúc
Khác với người Kinh có cơm rượu nếp, bánh tro, thịt vịt, đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) là món bánh khúc. Nguyên liệu làm bánh là gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, hạt vừng đen. Bánh khúc có hình thù và cách làm gần giống bành dày.
Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.
Chè kê
che-ke-01-saigonamthuc-9936-1401682437.j
Chè kê trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Ảnh: saigonamthuc
Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Chè kê nấu đơn giản những chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.
Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn.
Vy An

Món xương rồng lạ miệng ở Quảng Nam

Không chỉ làm gỏi hay xào, cây xương rồng còn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau, hấp dẫn những ai đã từng một lần đặt chân lên đất Quảng.
Xương rồng là một loại cây có gai, thường mọc ở một số vùng đất có khí hậu khô hạn nên xuất hiện khá nhiều tại miền Trung Việt Nam, đặc biệt là đất Quảng Nam, nơi quanh năm đón nắng và gió. Tại đây, cây xương rồng là món ăn khá phổ biến và có thể coi là đặc sản của vùng. Món ăn này có nguyên liệu dễ tìm, hấp dẫn bởi hương vị độc đáo và cách chế biến không quá cầu kỳ.
Anh-1-1553-1402051719.jpg
Xương rồng được lọc bỏ gai trước khi chế biến. Ảnh: eva
Trước khi chế biến, xương rồng cần phải sơ chế bằng cách gọt bỏ phần gai bên ngoài cùng lớp màng xanh, sau đó thái mỏng rồi đem luộc sơ cho bớt nhớt, tới khi những miếng xương rồng chuyển sang màu vàng là được. Những miếng xương rồng này sau đó đem vắt ráo nước là có thể chế biến thành những món ăn ngon tùy thích.
Phổ biến nhất khi du khách có dịp ghé qua đất Quảng Nam chính là món xương rồng xào. Sau khi vắt ráo nước, xương rồng được đem xào với mỡ, gia giảm thêm chút nước mắm cho vừa miệng là có ngay món ngon đãi khách. Tùy vào từng gia đình hay từng nơi mà món ăn này được bổ sung thêm nhiều loại nguyên liệu khác nhau như ớt, tôm hay thịt heo…
Anh-2-9469-1402051719.jpg
Xương rồng xào cũng rất đưa cơm. Ảnh: vietpress
Vào những ngày nắng nóng, canh chua xương rồng lại chính là món giải nhiệt hiệu quả.Bên cạnh những miếng xương rồng đã qua sơ chế là cá lóc hay cá trê cắt khúc được nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Sau đó xào qua cùng xương rồng cho ngấm đều rồi chế thêm nước. Chừng ba phút, khi nồi canh đã sôi mới cho thêm ngò gai và hành lá cho thêm phần bắt mắt. Mặc dù không thêm bất cứ loại quả chua nào nhưng khi nấu lên bát canh có vị chua lạ, xua đi cái nóng của mùa hè xứ Quảng. Vị chua chua không gắt như chanh hay sấu, dai dai của xương rồng, vị ngọt đậm của thịt cá kết hợp cùng cơm quả khó có thể chối từ.
Ngoài canh chua xương rồng và xương rồng xào, người dân xứ Quảng còn sáng tạo thêm một món ăn nữa khá độc đáo là món gỏi xương rồng. Vẫn là những miếng xương rồng đã luộc qua nhưng nay được thêm đậu phộng rang giòn, giã nhỏ rồi trộn đều là có ngay món gỏi thanh mát mà chẳng tốn thời gian. Món gỏi này thường được chuẩn bị cho ngư dân làm mồi lai rai trong những ngày thuyền nằm bờ hay nhà có khách mà trời đổ mưa chẳng kịp đi chợ. Vị giòn giòn, mát nhẹ không chán cứ khiến câu chuyện bên chén rượu thêm dài mà chủ nhà vẫn hào hứng vì có món ngon dễ làm, không phải mất công chuẩn bị.
Anh-3-8558-1402051719.jpg
Xương rồng còn được biến tấu thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: amthuc
Trước đây, xương rồng chính là món ăn cứu đói cho những người dân nghèo vùng đất Quảng nhưng khi đời sống khá giả hơn món ăn này nhanh chóng trở thành món lạ, đặc sản đãi khách phương xa. Nếu có cơ hội ghé thăm vùng đất nắng gió ấy, hãy nhớ một lần nếm thử món xương rồng độc đáo mà khó quên.
Đỗ Huyền