Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Bánh ướt Truồi và cơm Âm Phủ lạ miệng xứ Huế

Món cơm Âm Phủ ở Huế thường được phục vụ trong không gian tối mò để lột tả được cảm giác có phần "rợn tóc gáy" khi thưởng thức.

Phải đến đúng vùng đất cố đô, bạn mới cảm thấy nét độc đáo, ngon tuyệt của nơi đây mà không đâu "sao chép" sánh bằng.
Bánh ướt Truồi
Đây là món bánh ướt, thịt heo quay trứ danh của người Huế ăn kèm rau sống như rau quế, bắp chuối, giá, xà lách... Phần bánh ướt mỏng, dai có chút hành phi phía trên. Sau cùng chính là đĩa thịt heo quay giòn rụm và nóng hổi được mang ra.
Khi ăn, bạn sẽ cho bánh ướt, rau sống và thịt heo quay vào bát rồi chan với nước mắm đã pha. Để món ăn không ngấy, bạn sẽ được phục vụ thêm đĩa giá chua muối với hẹ, hành, cà rốt, ớt.
den-hue-an-banh-uot-thit-heo-q-7987-5591
Nhai miếng bánh ướt Truồi, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị ngọt, chua, cay, mặn và béo. Ảnh: Chudu24
Cơm Âm Phủ
Món này giống như một phần cơm thập cẩm với nhiều loại nguyên liệu khác nhau được trộn đều, gồm thịt nạc, tôm tươi, chả lụa, nem chua, trứng chiên... Tất cả đều được thái sợi nhỏ rồi cho vào cơm trắng. Đơn giản là thế nhưng món ăn này đã trở nên nổi tiếng ở xứ Huế.
com-am-phu-04-8679-1427859329.jpg
Những nguyên liệu được cắt sợi đặt xung quanh phần cơm dẻo, sau đó sẽ trộn tất cả lại với nhau cho ra món cơm Âm Phủ nổi tiếng. Ảnh: phuongdong
Những quán cơm Âm Phủ ở Huế thường có không gian tối để lột tả được cảm giác có phần "rợn tóc gáy" khi thưởng thức. Cơm Âm Phủ tạo cho du khách cái nhìn độc đáo về Huế trong khâu bày biện, trang trí.
Bánh khoái
Bánh khoái là loại bánh nhỏ, dày và giòn hơn bánh xèo. Bánh khoái được làm từ bột gạo, xay mịn, sau đó hòa với nước cho hỗn hợp đặc vừa phải, thêm chút muối và đập thêm vài quả trứng gà vào để cho ra màu đẹp mắt.
banh-khoai-hue-4022-1427859330.jpg
Bánh khoái khi nhìn qua khá giống bánh xèo, nhưng thay vì chấm nước mắm thì bánh khoái chấm với nước lèo lạ miệng. Ảnh: littleitalyhue
Nhân bánh khoái gồm thịt, tôm đã luộc bỏ vỏ, chút xá xíu và thêm vài cọng giá. Bánh khoái khi ăn chấm với nước lèo. Loại nước lèo này gồm gan heo, thịt nạc băm nhuyễn kết hợp với mè rang, đậu phộng giã nhuyễn cùng với tương đậu nành... Bánh khoái ăn kèm với rau sống, ngon nhất là với rau thơm, hành ngò, chuối xanh...
Tường Ý

Chè ngon giải nhiệt mùa hè ở Huế

Nhắc đến chè Huế, nhiều người thường nghĩ tới rất nhiều món ngon với hương vị riêng biệt. Mỗi loại lại có những dư vị riêng quyến rũ thực khách. Ở đây, các hàng chè tập trung chủ yếu ở khu vực chân cầu Tràng Tiền, đường Chi Lăng, Thượng Tứ, Thượng Bạc, hẻm Hùng Vương, trước cửa nhà văn hóa Huế và rạp Hưng Đạo. Giá mỗi ly dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng. Chính vì vậy ai nấy đều có thể ăn no bụng mà không sợ rỗng túi. Dưới đây là một số loại chè phổ biến và được yêu thích nhất.
Chè bắp
A3_1427966718.jpg
Chè bắp thường ăn cùng nước cốt dừa thơm lừng, béo ngậy. Ảnh: Lọ Mọ.
Cồn Hến không chỉ nổi danh bởi món cơm hến hảo hạng mà còn bởi những trái bắp ngọt thơm mùi sữa. Người dân nơi đây trồng cây bắp quanh năm, trừ ba tháng lũ lụt. Nhờ đó, du khách luôn có cơ hội thưởng thức được món quà giản dị ấy.
Để có bát chè ngon, người làm phải thực hiện nhiều khâu. Bắp thái mỏng cho vào nồi nước đun sôi. Khi chín mới bỏ thêm đường kính vào và khuấy đều. Tuy nhiên nếu chỉ vậy thôi, món này vẫn chưa đủ vị. Bạn còn phải cho thêm chút nước cốt dừa trắng để món giải khát trở nên bắt mắt.
Chè bột lọc heo quay
A1_1427965176.jpg
Món này có vị mặn ngọt đan xen nên không tạo cảm giác ngấy cho thực khách. Ảnh: Cún Khang.
Một trong số những món ngon độc đáo của đất cố đô là chè bột lọc thịt quay. Thành phần của món này gồm bột lọc, thịt heo quay, gừng, đường và muối. Thịt quay xào trước cùng đường và gừng. Bột lọc nhồi nhuyễn mịn, bắt thành từng miếng nhỏ rồi cho thịt heo đã cắt miếng vuông vào trong, sau đó mới đem luộc trong nước đường trắng.
Khi ăn, người làm sẽ múc chừng vài viên ra chén rồi chan nước luộc lên trên. Món này ăn nóng hoặc lạnh đều ngon.
Chè nhãn bọc hạt sen
A2_1427966496.jpg
Chè nhãn bọc hạt sen là món ăn thanh tao của người dân xứ Huế.. Ảnh: webdulichhue.
Để có được chén chè nhỏ, người làm phải thực hiện nhiều giai đoạn công phu, tỉ mỉ khác nhau. Hạt sen tươi bóc vỏ, tách phần đắng ở giữa rồi hấp chín. Nhãn lồng bỏ vỏ, hạt nhưng không để cơm nhãn vỡ nhằm lồng hạt sen vào giữa. Đường phèn đun lửa nhỏ tới khi tan mới cho hạt sen đã lồng nhãn vào. Quá trình đun phải thật khéo léo để cơm nhãn giữ được độ giòn mà hạt sen không bị bở. Sự kết hợp giữa vị thanh mát của nhãn và mềm bởi hạt sen khiến món này luôn là "ngôi sao" trong các loại chè ở Huế.
Chè thập cẩm
A5.jpg
Ly chè thập cẩm luôn được làm chừng mực, vừa đủ để người ăn không bị ngán. Ảnh: Hương Chi.
Như tên gọi, món này là sự kết hợp từ nhiều loại chè khác nhau như đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván, khoai môn... Tất cả tạo thành một tổng thể hài hòa về màu sắc, hấp dẫn thực khách. Tùy vào sở thích bạn có thể lựa chọn nhiều loại nhưng nên dừng ở 3 - 4 thành phần để cảm nhận rõ ràng hương vị riêng.
Chè sữa
A6.jpg
Sự hấp dẫn đầu tiên của món này là mùi thơm ngọt của sữa. Ảnh: Cún Khang.
Du khách hảo ngọt thường thích món chè sữa đặc biệt này. Nguyên liệu gồm đậu xanh hoặc đậu đỏ và sữa bột. Cách làm khá đơn giản. Đậu ngâm cho nở sau đó cho vào nồi hấp chín. Khi có khách, chủ quán sẽ cho phần đậu vào ly, bỏ thêm sữa đặc và cuối cùng là lớp đá xay mịn. Với sự kết hợp độc đáo này, bạn có thể cảm nhận được vị béo ngậy, thơm ngon và ngòn ngọt dễ chịu. Tuy nhiên, trước khi ăn, bạn nên trộn đều để các thành phần quyện lại với nhau, không tạo vị ngọt gắt nơi cổ họng.
Diệu Huyền

Món ngon nức tiếng gắn liền phố cổ Hà Nội

Chỉ cần nhắc đến bánh cuốn, bún chả hay chả cá, những người dân bản địa sẽ lập tức nghĩ ngay đến các con phố cổ ở thủ đô lâu nay nổi tiếng với món ăn này.
Hầu như không ai rõ từ khi nào, những món ăn này trở nên quen thuộc đối với người Hà Nội và gắn liền tên phố như một thương hiệu rất riêng.
Chả cá Lã Vọng
Chả cá Lã Vọng lâu nay là một địa điểm quen thuộc không chỉ với người dân Hà Nội mà còn cả du khách. Nằm trên phố Chả Cá, ngay lối vào quán là bảng hiệu hình ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi câu cá. Bước vào nhà hàng, cảm giác xưa cũ toát lên khi đặt chân lên từng bậc cầu thang gỗ.
chaca_1426562076.jpg
Mỗi suất chả cá Lã Vọng có giá 170.000 đồng. Ảnh: Đoàn Xuân.
Để làm chả cá ngon, người chế biến phải sử dụng cá nheo, cá quả hay cá chiên cắt khúc, chỉ lấy phần thịt, ướp với các loại gia vị như hạt tiêu, nước mắm, riềng, mắm tôm... khoảng 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, cá được kẹp vào vỉ, nướng trên than hồng cho chín vàng.
Khi thực khách ngồi ăn, nhân viên mới cho cá vào chảo mỡ để chiên, ăn cho nóng và không bị tanh. Cùng ăn kèm món này là rau hành hoa, thì là được nhúng trong chảo cho tái, thêm chút bún, rau mùi, húng.
Bún chả Hàng Mành
Nói đến bún chả, nhiều người thường nghĩ ngay đến quán Đắc Kim ở phố Hàng Mành. Không gian quán nhỏ nhưng rất đông, thường ngồi tràn ra vỉa hè.
bun-4651-1426567037.jpg
Bún chả Hàng Mành hấp dẫn thực khách bởi chả rất mềm và được cách pha chế nước mắm rất ngon. Ảnh: foodspotting.
Điểm nổi bật ở quán là món chả có hương vị riêng, thịt mềm, dính chút mỡ. Để có miếng chả vàng thơm, người chế biến phải rất cầu kỳ trong khâu chọn nguyên liệu và tẩm ướp. Thịt ba chỉ hoặc thịt nách được băm nhỏ, tẩm ướp gia vị, hành tỏi và nước mắm ngon rồi nướng trên than hoa tạo nên mùi vị thơm quyến rũ. Mỗi suất ăn được chuẩn bị khá đầy đặn, nhiều bún, thịt và có giá 50.000 đồng.
Bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân
Nổi tiếng nhất trong các hàng bánh đúc ở Hà Nội, quán ở Lê Ngọc Hân chiều nào cũng tấp nập khách. Không gian nơi đây nhỏ, hai tầng, nằm khiêm nhường trong ngõ số 8. Bánh đúc Lê Ngọc Hân có hương vị rất ngon, giá lại hợp lý 15.000 đồng mỗi bát.
banh-duc.jpg
Bát bánh đúc nóng có cả đậu phụ, ớt chưng. Ảnh: Hưng Simpleman.
Bột làm bánh đúc vừa mềm lại vừa dai, vị ngậy và ấm nóng, chìm trong nước chan đậm đà. Nhân bánh gồm thịt băm xào mộc nhĩ, một chút rau mùi thái nhỏ cho dậy vị, hành phi thơm phức và vài miếng đậu rán vàng ươm. Vị ngọt của thịt quyện cùng hành, rau mùi tạo nên hương vị hấp dẫn không quán nào có được.
Bánh cuốn Hàng Gà
Hà Nội có nhiều hàng bánh cuốn, một trong những nơi nổi tiếng phải kể đến phố Hàng Gà. Bánh cuốn ở đây ngon và mềm hơn hẳn so với các hàng khác và là địa chỉ quen thuộc đối với dân Hà thành.
banh-cuon1.jpg
Cách tráng bánh ở quán này từng được miêu tả trong cuốn Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam. Ảnh: Út Liên
Quán mở cách đây hàng chục năm, điểm hút khách nằm ở lớp bánh mỏng, mềm và nhân được chế biến khéo léo. Bên trong là nhân thịt, nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ, tôm bóc nõn cuộn lại và rắc lên chút hành phi vàng ruộm. Ngoài ra, nước chấm ở đây cũng được pha có độ cay vừa phải, chua dịu. Khách quen tới đây thường chọn nhân tôm thịt nấm để thưởng thức.

Những món ăn đêm hấp dẫn ở Nha Trang

Tại các thành phố du lịch, quán ăn đêm mọc lên rất nhiều, và Nha Trang cũng không ngoại lệ. Đặc điểm của các hàng này là bán muộn nhưng vẫn cầu kỳ đủ món. Dưới đây là 4 món được yêu thích nhất.
Cháo
A1_1428378181.jpg
Cháo ăn cùng nhiều thành phần khác nhau. Ảnh: nguyenduyduong.
Cháo là món ăn được nhiều người lựa chọn cho cơn đói bụng đêm khuya. Món này dễ ăn, nhẹ nhàng và phù hợp với mọi lứa tuổi. Các hàng ở đây thường chiều lòng thực khách bằng nhiều vị khác nhau. Bạn có thể chọn cháo trắng ăn cùng hành xanh, trứng vịt bắc thảo, trứng vịt muối, thịt ram mặn, cá nục kho hoặc ruốc... Một số nơi còn phục vụ thêm củ cải muối mà không hề tính phí.
Một bát cháo dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng. Địa chỉ gợi ý cho bạn là 46 Thống Nhất (mở cửa 18h - 3h), hẻm 14 Đặng Tất (mở cửa 18h30 - 23h) và dọc đường Lê Lợi, Phan Chu Trinh.
Bánh canh
A2_1428378765.jpg
Bát bánh canh nóng hổi phát huy tác dụng giữa đêm lạnh. Ảnh: Tiêu Phong.
Trời về khuya, nhiệt độ hạ khiến ai nấy đói bụng đều muốn tìm tới những món ăn nóng hổi. Các hàng bánh canh xuất hiện cũng vì lẽ đó. Bán đêm nhưng thành phần một tô ở đây vẫn đầy đủ giò heo mỏng, viên trứng thịt thơm giòn, chả cá vàng cùng ớt, mắm ngọt, mắm mặn. Khi ăn bạn có thể cảm nhận phần nước dùng đậm đà, ngọt từ xương.
Một số địa chỉ bạn nên thử là góc đường Lê Thánh Tôn, mở từ 22h đến 2h  với mức giá 15.000 - 20.000 đồng một tô.
Xôi
A4_1428379416.jpg
Nhiều người làm đêm thường chọn món xôi chắc bụng. Ảnh: nhatrangclub.
Không khó để tìm những quán xôi nóng ngon tại thành phố biển. Các khu vực Mã Vòng, gần ga tàu là địa điểm tập trung nhiều hàng nhất. Bạn có thể thưởng thức các hương vị khác nhau như xôi nếp, đậu đen, lá cẩm, gấc, vò... hay ăn kèm nhân mặn các loại gồm thịt, chả kho, lạp xưởng, trứng cút... Giá thành một gói vì thế cũng không cố định, từ 3.000 đồng trở lên.
Hoành thánh mỳ
A3_1428379165.jpg
Món này có bán ở 28 Bạch Đằng (mở cửa 17h30 - 22h), B7 Chung cư Phan Bội Châu ( 17h - 23h). Giá một tô 35.000 - 55.000 đồng. Ảnh: Tiểu Văn.
Một trong số những món ăn khuya không thể không kể tới là hoành thánh mỳ. Một tô đầy đủ không nhiều nhưng đủ để bạn xua đi cơn đói đang cồn cào. Các chủ hàng ở đây đều khá cẩn thận khi chế biến nước dùng. Do vậy bạn có thể cảm nhận được vị ngon, ngọt bên cạnh xá xíu mềm và sủi cảo thơm ngậy.
Các hàng bán hoành thánh mỳ cũng thường bán thêm hủ tiếu khô khá hấp dẫn và ngon miệng.
Diệu Huyền

3 loại kem Hàn Quốc giải nhiệt Sài Gòn

Kem tuyết, kem ống hay bánh con cá đến từ xứ sở kim chi hấp dẫn thực khách Sài Gòn không chỉ bởi hình dáng bắt mắt và sự lạ miệng.

Kem tuyết
Được đựng trong một tô lớn, thực khách nhìn qua có thể nhầm lẫn món này với kem đá bào. Sự khác biệt ở chỗ kem tuyết ngon hơn vì làm từ 100% sữa tươi, rất lâu tan, dù lạnh nhưng ăn nhiều vẫn không bị buốt.
Quán kem tuyết Hàn Quốc nằm ngay khu dân cư có nhiều người Hàn sinh sống ở Sài Gòn. Chủ quán cũng đến từ xứ sở kim chi nên không gian được thiết kế đậm nét Hàn Quốc. 
Quán phục vụ nhanh, thân thiện. Bạn có thể chọn kem tuyết bánh gạo hoặc kem tuyết đậu đỏ truyền thống. Nếu thích vị chua ngọt từ trái cây, thực khách hãy nếm thử kem tuyết xoài. Mỗi phần kem có giá 110.000-150.000 đồng, đủ cho 2-3 người ăn. Địa chỉ quán ở 28-1 Phạm Văn Nghị, Tân Phong, quận 7.
2-7147-1428570232.jpg
Kem tuyết bánh gạo cùng phần đậu đỏ và xoài bổ sung.
Kem bánh cá
Xuất phát tbánh cá nhân đậu đỏ, một món ăn nhẹ phổ biến ở Hàn Quốc, kem bánh cá ra đời thu hút sự chú ý của nhiều thực khách mọi lứa tuổi. Gần đây, kem bánh cá xuất hiện tại Sài Gòn cũng khiến nhiều bạn trẻ tò mò bởi kiểu dáng mới lạ, thiết kế đáng yêu. 
Phần kem vani mịn cùng mứt đậu đỏ ngọt ngào bao bọc trong lớp vỏ bánh mềm. Bạn có thể dễ dàng mua kem ở nhiều cửa hàng tiện lợi tại Sài Gòn với giá 26.000 đồng mỗi bánh.
kem-ca-5910-1428637681.jpg
Kem con cá có hình dáng một chú cá đáng yêu, hương vị thơm ngon.
3. Kem ống Hàn Quốc
So với những loại trên, kem ống Hàn Quốc lại thu hút bởi kiểu dáng độc lạ. Kem được cho vào lõi bên trong chiếc bánh ống dài. Khi ăn, thực khách chỉ việc cắn từ từ từng khúc bánh giòn tan quyện với lớp kem lạnh bên trong.
Các cửa hàng bán món này thường trang trí khá bắt mắt nhờ những ống kem treo san sát ở mặt tiền, thu hút trí tò mò người xem. Nhược điểm là kem có thể tan chảy rất nhanh do thời tiết Sài Gòn không giống Hàn Quốc. Mỗi ống kem có giá từ 20.000 đồng.
kem-ong-2948-1428637681.jpg
Hình dáng khác lạ của kem ống thu hút nhiều thực khách. Ảnh: thepomnechy.

Món uống thanh mát cho ngày hè ở Sài Gòn

Với thời tiết nóng bức ở Sài Gòn, bạn có thể giải nhiệt bằng cách uống những loại nước mát lạnh, bổ dưỡng dưới đây.
Trà sữa Thái
Xuất xứ từ Thái Lan, trà sữa Thái vốn là thức uống phổ biến của người dân xứ chùa vàng. Khi du nhập vào Việt Nam, món này nhanh chóng chiếm cảm tình của giới trẻ. Nhờ cách pha chế đơn giản, nguyên liệu dễ tìm và giá thành rẻ, trà sữa Thái gần đây trở thành một trong những món uống số một tại Sài Gòn.
12224-946782612022563-22097825-8463-5547
Bạn có thể đến quán Rất Thái ở 203/9 Lý Thường Kiệt, phường 6, quận Tân Bình để thưởng thức. 
Bạn có thể uống trà sữa Thái để giải khát hoặc ngồi hàn huyên cùng bạn bè. Thời tiết nóng bức, trà sữa Thái càng phát huy công dụng vì mát lạnh, hương vị thơm ngon, lôi cuốn. 
Mủ trôm đường phèn
Với tác dụng giải khát, làm mát gan, thanh mát cơ thể, mủ trôm là loại đồ uống bổ sung khoáng chất, rất thích hợp cho mùa nóng. Thông thường, mủ trôm được bày bán ở các hàng nước vỉa hè hoặc quán ăn.
Món này có thể chế biến thành nhiều loại khác nhau, chẳng hạn cho thêm đường phèn để có vị ngọt hoặc kết hợp hột é, đá bào, si rô và chút hoa quả tươi cắt nhỏ. 
Nước mát người Hoa
Tên gọi "nước mát người Hoa" bắt nguồn từ việc món uống bao gồm nhiều loại nước khác nhau, tốt cho từng phần riêng của cơ thể và xuất xứ từ người Trung Quốc. Một số loại nước uống vào mát gan, giải độc, có loại lại trị mụn nhọt, mất ngủ, ho khan hoặc chỉ đơn thuần giải nhiệt cơ thể.
Những điểm bán nước mát người Hoa nổi tiếng ở Sài Gòn thường tấp nập khách. Tuy nhiên, món này phải uống nóng mới phát huy tác dụng.
nuoc-mat-ho-lo-vang-97109492635415320044
 Khu người Hoa có nhiều quán bán nước mát, nổi tiếng đông khách là Hồ Lô Vàng ở 315 Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5. Ảnh: diadiemanuong.
Nha đam
Với thành phần gồm nha đam, đường phèn và nước, món uống này giúp bạn xua tan cái nóng của cơ thể cả về nghĩa đen lẫn bóng. Hầu hết thực khách thấy đã khát khi uống nha đam ướp lạnh, lại yên tâm vì nó rất tốt cho sức khỏe.
Nhiều nơi bán thức uống này còn giữ nguyên những miếng nha đam hình vuông trong chai để thực khách vừa uống vừa nhâm nhi.  
Nước lá sa kê
Món này khá hiếm nơi bán ở Sài Gòn. Thông thường, nhiều người dùng lá sa kê xắt như thuốc bắc để trị phù thũng và thận ứ nước. Nấu  với liều lượng nhẹ hơn sẽ giúp cơ thể thanh nhiệt, trị mụn.
Hầu như sa kê sẵn có quanh năm nên chế biến món nước mát này không quá khó. Chúng lại có mùi thơm đặc trưng, là vị thuốc nhưng rất dễ uống. 
Untitled-1-7087-1428553869.jpg
Bạn có thể thưởng thức các loại nước như lá sa kê, đậu đen rang hay sả chanh ở Bão 285/74 Cách Mạng Tháng 8, phường 12, quận 10. 
Đậu đen rang
Nước đậu đen rang có công dụng nhuận tràng, giải độc, thanh nhiệt cơ thể. Ngoài tác dụng giải khát tức thời vào mùa nóng, dùng thường xuyên còn giảm đau, nhất là vùng lưng. 
Sả chanh
Mùa nóng là thời điểm khó chịu, dễ khiến cáu bẳn và nảy sinh các bệnh về nhiệt. Bạn có thể thưởng thức món sả chanh với nguyên liệu chủ yếu là sả, chanh, thêm chút mật ong. Loại nước này có vị chua chua hòa cùng mùi thơm và hăng của sả, rất tốt cho sức đề kháng. 
Thảo Nghi

Sam biển nướng - đặc sản nổi tiếng Cát Bà

Đảo Cát Bà cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30 km, được thiên nhiên ưu ái ban tặng với nhiều danh lam thắng cảnh cùng nguồn hải sản phong phú. Một trong những sản vật biển được yêu thích ở đây là sam biển. Với nguồn gốc tự nhiên, sam ở Cát Bà luôn được đảm bảo độ tươi và trở thành món ngon không thể bỏ qua khi du lịch đến đây trong những ngày hè sắp tới.
con-sam-bien-7192-1428727923.jpg
Sam thường đi theo đôi nên đã tìm thấy là bắt được cả hai con một lúc. Ảnh: skyscrapercity.com
Sam có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính độ gang tay. Sam cái thường nặng chừng 1 kg, sam đực chỉ nặng khoảng 5 lạng. Để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi.
Sam được chế biến thành rất nhiều món ngon, phổ biến là súp, gỏi, xào sả ớt, chua ngọt, miến, cháo... nhưng hấp dẫn và được nhiều thực khách ưa chuộng nhất là món sam nướng. Đặc biệt, những con sam cái khi vào mùa sinh sản thường mang bụng trứng to, giàu đạm nên khi nướng lên trở thành món ngon khó quên.
sam-anh-dlmh-5884-1428727925.jpg
Trứng sam béo, thơm, nhiều đạm và rất bổ dưỡng. Ảnh: diadiemanuong
Thường người ta vứt bỏ sam đực bởi ít thịt, chỉ bắt sam cái. Sam sơ chế khá kỳ công và hết sức cẩn thận. Người đầu bếp phải cắt tiết sao cho thành tia để thịt sam giữ nguyên mùi vị tự nhiên. Toàn bộ phần vây, gan, ruột được lọc bỏ. Phần thân dưới của sam được tách ra nướng riêng, còn phần trứng thì sẽ được ướp mỡ hành, gia vị và đậu phộng, sau đó để nguyên phần mai có trứng lên bếp than để nướng.
Sau khi tẩm ướp sam với các gia vị cho ngấm rồi đặt lên vỉ nướng, trở đều cho tới khi mình sam chín vàng, dậy mùi thơm là có thể thưởng thức. Người ta thường ăn kèm sam nướng với bưởi chua tách múi, củ cải thái nhỏ ngâm dấm, rau thơm, đậu phộng rang giã nát, nước mắm tỏi, ớt, hành phi...
tin247-5544-1428727925.jpg
Tuy là món đặc sản nhưng các món ăn chế biến từ sam biển vừa vất vả, vừa công phu và phải hết sức cẩn thận nếu không rất dễ bị ngộ độc, dị ứng nên bạn cần chọn nhà hàng uy tín để thưởng thức. Ảnh: Tin247.com
Vào mùa sam sinh sản (từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch), số lượng nhà hàng bán các món từ sam nhiều hơn những thời điểm khác trong năm. Bạn có thể tới dãy nhà hàng nằm trên đường 1/4 hoặc Núi Ngọc trong thị trấn để thưởng thức.
Lê Thương

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Mặn mà cá chai neo

Hằng năm, khi những cơn gió nồm bắt đầu thổi mang theo cái nắng nóng suốt dọc bờ biển miền Trung, thời điểm này lại xuất hiện nhiều luồng cá chai neo hơn. Trong tiết trời khô hanh, bưng bát cơm dẻo thơm mùi gạo mới, gắp con cá chai neo kho hay xì xụp húp bát canh chua mát lành mới thấy yêu biết mấy vùng biển quê mình...
Cá chai neo thuộc họ hàng nhà cá chai - cũng thân dài, đầu tròn, bẹt và rộng; miệng lớn, răng nhỏ. Tuy nhiên, so với loại cá chai khác thì cá chai neo trông không “oách”, chỉ nhỏ cỡ ngón tay trỏ, da không đen nâu mà lại hơi vàng trắng. Song nhiều người miệt biển phải thừa nhận rằng các món được chế biến từ loại cá này đều rất... tốn cơm!
Cá khoCá chai neo chuẩn bị kho dưa cải
Cá chai neo chế biến được nhiều món ngon như chiên giòn, làm chả hay nướng. Nếu có khách phương xa, bữa cơm với người miệt biển sẽ không thiếu món cá chai neo kho. Ôi chao, cá này kho dưa cải già lửa thì lại quá tuyệt, cả thịt cá, xương cá hòa quyện với vị ngọt bùi xen lẫn chút hăng hắc của dưa cải không thể lẫn đi đâu được.
Cá chai neo rửa sạch, dùng muối xát cho sạch lớp nhớt trên thân cá. Giữ nguyên con, làm sạch ruột, rửa để ráo. Ướp sơ gia vị (muối, đường, bột ngọt, nước mắm) sau đó đem cá phơi nắng chừng mươi phút cho da cá hơi se lại. Tiếp đến, cho cá vào  niêu  ướp gia vị lần nữa sao cho vừa ăn, sắp lớp dưa cải mỏng lên trên. Khi kho để lửa liu riu, rồi xốc nhẹ mẻ cá đôi ba lần, khi nào nước sền sệt, mùi thơm lan cả bếp, nhanh tay phủ một lớp ớt bột lên bề mặt. Ấn tượng nhất với món cá chai neo kho là ớt bột, kho đến khi nào thấy đã khô nước là món cá hoàn thành. Cá chai neo kho chín cong mình, thấm nước mắm mặn mòi. Cầu kỳ hơn một chút có thể xếp vài miếng thịt ba rọi dưới đáy nồi. Vị béo từ thịt mỡ ngấm vào làm miếng cá càng thêm bùi, ngậy.
Bên cạnh kho, cá chai neo nấu canh chua cũng rất ngon. Từng thúng cá chai neo xanh tươi đánh bắt trong đêm, sáng vào bờ bán cho các đầu mối nhưng vẫn được ngư dân giữ lại những con to nhất để làm món canh chua bồi bổ sức khỏe sau một đêm vật lộn với sóng biển. Cá muốn nấu canh thường bỏ đầu và ruột, làm xong cho vào nồi ướp đều gia vị khoảng mười lăm phút, đặc biệt không thể thiếu vài lát gừng cay. Sau khi phi thơm hành mỡ, nhanh tay trút cà chua thái miếng vào nồi, nêm một ít gia vị rồi đảo đều. Cà chua ngấm gia vị và chín dần mới đổ nước vào đun sôi rồi cho cá vào. Để nồi canh cá thêm ngon thơm đậm đà, đúng vị thì ngoài những loại rau thơm như húng, ngò... người chế biến có thể cho thêm vào đó nắm lá me đất.

Điểm danh những món bánh cuốn trứ danh ở miền Bắc

Bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Hưng Yên, bánh cuốn trứng Lạng Sơn... là những món bánh cuốn nổi tiếng và đã là trở thành đặc sản của mảnh đất đó.
Ở mỗi vùng miền, món bánh cuốn lại có những biến tấu khác nhau hấp dẫn du khách trên dọc đường tìm hiểu ẩm thực Việt Nam. Dưới đây là 5 món bánh cuốn nổi tiếng và được nhiều người yêu thích.
1. Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn

Bánh cuốn trứng ăn cùng bát nước lèo lớn
Bánh cuốn trứng là một đặc sản nổi tiếng ở Lạng Sơn mà bất cứ du khách nào ghé qua cũng muốn thưởng thức một lần. Về cơ bản, bánh cuốn trứng Lạng Sơn vẫn dùng gạo xay mịn thành bột rồi tráng mỏng nhưng phần nhân lại có những thay đổi nhất định. Đó là sử dụng trứng gà lòng đào làm phần nhân thơm ngậy bên trong. Sau khi bánh chín, thay vì bỏ ra, người làm sẽ đập vào giữa một quả trứng gà. Chờ tới khi lớp màng mỏng bên ngoài quả trứng chuyển màu thì người thợ sẽ khéo léo lấy đôi đũa tre dẹp lật mép góc bánh để ôm lấy quả trứng rồi bày ra đĩa, vuông vức và đẹp mắt.
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn được ăn cùng bát nước lèo ninh từ xương ống có thả thêm giò và hành tươi cho bắt mắt. Vào những ngày trời lạnh, bánh cuốn trứng là giải pháp khá tuyệt để xua đi cái giá bên ngoài. Du khách cũng có thể tìm thấy món ngon độc đáo này tại cao nguyên đá Hà Giang.
2. Bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội
Bánh cuốn Thanh Trì
Nhắc tới bánh cuốn Tranh Trì, nhiều người thường nghĩ tới ngay món bánh tinh hoa của mảnh đất Hà thành ngàn năm văn hiến. Quả thật, ai đã từng một lần thưởng thức món ăn này sẽ chẳng thể quên được hương vị đậm đà của từng chiếc bánh. Bột sau khi dàn đều ra mặt tấm vải căng trên nồi nước chờ tới chín sẽ được cuộn lại bằng một thanh tre nhỏ rồi bỏ ra đĩa, cắt làm đôi. Bánh cuốn Thanh Trì có hai loại không nhân và có nhân từ hành, tôm nõn bóc vỏ giã bông hoặc thịt băm.
Dù là loại nào thì món bánh này cũng đều được dùng với chả quế, đậu rán nóng và nước chấm mắm pha giấm có điểm thêm chút ớt tươi cho thêm phần bắt mắt. Mỗi miếng bánh cho vào miệng lại để lại thứ vị dịu dịu, êm êm và bùi ngậy quyện lại, khách ăn một lần là nhớ mãi không thôi.
3. Bánh cuốn Hưng Yên
Bánh cuốn Hưng Yên
Bánh cuốn Hưng Yên được cuốn lại thành hình ống
Nằm giáp gianh với Hà Nội cùng món bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng nhưng bánh cuốn Hưng Yênvẫn có những nét riêng hấp dẫn du khách có dịp ghé qua mảnh đất này. Nét riêng ấy nằm ở từng chiếc bánh dài cỡ chiếc đũa hình ống xếp gọn trong tấm lá chuối xanh mướt. Bánh cuốn Hưng Yên vẫn được tráng lớp vỏ mỏng như cách làm bánh cuốn thông thường nhưng sau khi chín sẽ được xếp lên thành chồng. Khi có khách gọi, chủ quan mới xúc nhân từ thịt băm và hành khô vào giữa tấm vỏ bánh rồi cuốn lại. Bánh cuốn Hưng Yên được ăn kèm với nước chấm có hòa cùng chút nhân bánh và vài lát ớt đỏ. Chính vì được làm theo dạng cuốn này mà bánh cuốn Hưng Yên có thể được mua làm quà cho khách phương xa.
4. Bánh cuốn Hạ Long
Bánh cuốn Hạ Long
Chưa nếm thử bánh cuốn chả mực có lẽ là một thiếu sót lớn khi du khách có dịp ghé qua Hạ Long. Chả mực Hạ Long vốn nổi tiếng khắp miền bởi vị thơm giòn và khi kết hợp với bánh cuốn thì món ăn này lại càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Miếng bánh cuốn ở Hạ Long được tráng mỏng lộ rõ cả nhân thịt băm, nấm, mộc nhĩ bên trong cùng hương thơm quyến rũ của ruốc và hành phi. Khách tới ăn lấy một miếng bánh kèm rau mùi và một miếng chả mực vừa chiên xong, còn nóng hổi rồi chấm vào bát nước chấm màu vàng sóng sánh.
Khách tới Hạ Long thường gọi những đĩa bánh cuốn chả mực đầy đặn để cảm nhận vị giòn sần sật của chả mực và vị mềm dẻo của bánh cuốn. Bát nước chấm cũng là điểm nhấn đáng chú ý của món ăn này. Để giảm đi vị tanh từ mực, nước chấm bánh cuốn thường được pha cay hơn một chút. Thế mới biết người Hạ Long đã khéo léo biến tấu và kết hợp để có được món ăn thơm ngon, được nhiều người yêu thích đến nhường nào.
Bánh cuốn Hà Nam
Bánh cuốn Hà Nam được ăn cùng thịt nướng
Nhắc tới ẩm thực Phủ Lý, Hà Nam, nhiều người thường nghĩ ngay tới món bánh cuốn chả thơm ngon và hấp dẫn. Không giống như món bánh cuốn ở một số nơi khác, bánh cuốn chả Hà Nam được ăn nguội cùng thịt nướng và nước mắm nóng đủ vị chua cay mặn ngọt kèm một số loại rau thơm khác. Bánh sau khi được tráng sẽ được xếp thành từng tấm đặt chồng lên nhau.
Chả ăn kèm được làm từ thịt lợn ba chỉ để khi nướng lên không bị quá khô hay ngấy. Thịt sau khi thái miếng vừa ăn sẽ được ướp cùng nước mắm, hành khô, tiêu, đường và vừng trắng rồi nướng trên than củi. Tới khi bên ngòai miếng thịt có màu vàng rộm là đã có thể bày lên đĩa mời thực khách. Mặc dù không ăn kèm với chả giò, chả quế như món bánh cuốn nổi danh Thanh Trì hay miếng mực chiên vàng rộm như ở Hạ Long nhưng, món bánh cuốn với chả nướng Hà Nam vẫn hấp dẫn rất nhiều người. 

Theo Vnexpress

Những món ăn đặc trưng của đồng ruộng Nam Bộ

Nếu có dịp đến với vùng đất Nam Bộ, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn dân dã như cá lóc nướng trui, cá linh bông điên điển, chuột đồng... của đồng ruộng Nam Bộ nhé!
1. Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là đặc sản tự hào của người nông dân xứ miệt vườn Nam bộ. Từ món ăn trong những ngày nông nhàn ngay trên đồng ruộng, cá lóc nướng trui nhanh chóng trở thành đặc sản mà người dân ở đây dùng để tiếp đãi du khách. Giống như bản tính mộc mạc của mình, người miền Nam chế biến món ăn này một cách đơn giản, không cầu kỳ. Chỉ cần một con cá lóc đồng, một cành tre tươi xiên dọc theo thân cá, cắm ngược đầu cá xuống đất rồi chất rơm lên và đốt chín là hoàn tất. Thưởng thức món này cần thêm một ít muối ớt, dăm loại rau vườn là đủ để du khách được thưởng thức một món ăn ngon mang đậm hương đồng ruộng.
Không chỉ có món nướng, cá lóc đồng dùng để nấu cháo là ngon tuyệt. Bên cạnh đó, còn là món canh chua bông so đũa, cá lóc kho tộ hay khô cá lóc... đều có thể khiến du khách ngất ngây vì hương vị thơm ngon.
2. Cá linh bông điên điển
Cá linh bông điêm điểm
Nếu đến miền Tây mùa nước nổi (trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch) khi những cánh đồng trắng xóa nước lũ, những triền đê vàng rực hoa điên điển cũng là lúc du khách được thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển ngon tuyệt ở đây. Là món ăn hương đồng gió nội nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà.
Không chỉ kết hợp với nhau, cá linh và bông điên điển còn kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để cho ra đời những món ăn chỉ nhắc đến thôi cũng đủ lên cơn thèm như cá linh kho, canh chua cá linh, bông điên điển xào tép, bông điên điển trộn gỏi...
3. Món ngon từ chuột đồng
Chuột đồng
Chuột đồng là món ăn ngon song không phải du khách nào cũng đủ can đảm để thưởng thức. Nhưng nếu vượt qua được nỗi sợ hãi của mình, bạn sẽ cảm thấy không gì phải hối hận khi mà được thưởng thức một món ăn ngon tuyệt. Khi những cánh đồng trơ gốc rạ cũng là lúc mùa săn chuột đồng bắt đầu. Chỉ cần hun khói vào hang là chuột đua nhau chạy ra, chỉ cần nhanh tay thì chưa đầy một giờ bạn đã có đủ số lượng cần thiết cho bữa ăn ngon miệng. Nhanh gọn nhất là chuột đồng nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức. Tốn thời gian hơn một chút là chuột đồng quay lu, áp chảo, xào sả ớt... món nào cũng béo, cũng ngon đầy hấp dẫn.
4. Món ngon từ cua đồng
Lẩu cua đồng
Với lợi thế là đồng ruộng ngút ngàn nên không ngạc nhiên khi cua đồng có khắp các tỉnh miền Tây. Chỉ cần đi một vòng dọc theo các triền đê là bạn có thể bắt đầy một rổ cua đồng để chế biến món ngon theo ý thích của mình. Nếu muốn ăn chơi, đơn giản nhất là nướng, cầu kỳ hơn một chút thì rang muối, rang me... ăn cơm thì có món canh cua đồng rau tập tàng..
Tuy nhiên, ngon nhất là món lẩu cua đồng vang danh ở đây. Món ăn có vị nồng của cua đồng, vị thơm của hành hoa chưng gạch cua, nước dùng có màu nâu đậm được điểm xuyết thêm màu đỏ của cà chua, xanh non của hành lá, thoang thoảng hương thơm của ngò rí, ăn kèm là các loại rau vườn như đọt nhãn lồng, rau trai, bông bí, rau mồng tơi, nấm... Chỉ chừng đó thôi cũng đủ đê du khách không thể quên được hương vị thơm ngon khi đã một lần thưởng thức.
5. Đuông dừa
Đuông dừa
Với nhiều người, việc nhìn những con đuông dừa to bằng ngón tay ngọ nguậy là đã thấy lạnh sống lưng. Nhưng với người dân miệt vườn thì đó là một tặng vật của thiên nhiên, một đặc sản mà không phải lúc nào cũng có. Ngon nhất phải kể đến món đuông dừa sống ăn kèm nước mắm ớt cay với vị béo bùi không khác gì lòng đỏ trứng gà rất ngon miệng.

Bên cạnh đó, đuông dừa còn được chế biến khá nhiều món như: đuông dừa chiên bơ thơm nức, đuông dừa nướng ăn kèm với các loại rau sống xà lách, càng cua, húng quế... hay độc đáo nhất phải kể đến món đuông dừa hấp xôi. Xôi và đuông được ăn kèm với nhau vừa dẻo vừa mềm, vừa béo vừa bùi không chỉ ngon mà còn rất lạ miệng.

Đặc sản núi rừng Tây Bắc "thịt trâu gác bếp"

Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Bạn có thể thấy khó ăn nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.
Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp (còn gọi là thịt trâu xông khói) rất đặc biệt. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.
Đặc biệt, món ăn phát huy tác dụng bổ sung dưỡng chất khi đi rừng dài ngày và mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn. Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách miền xuôi rất ưa thích.
Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp có vị nồng nồng của khói, vị bùi của trâu, vị cay của mắc khén... chấm cùng chẳm chéo hoặc tương ớt cay rất hợp vị
Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, nướng, hầm hoặc nấu thành nhiều món khác nhau, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.
Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẳm chéo làm mồi nhậu. Người dân vùng cao vẫn thường trữ một ít thịt trâu gác bếp, dùng khi có khách quý đến chơi nhà sẽ đem ra mời.
Họ thường luộc qua với nước để thịt mềm và đảm bảo chín hết, sau đó xé từng thớ nhỏ bày đĩa. Đặc biệt, những gia vị như tiêu, ớt, gừng, mắc khén do hun khói lâu ngày nên vẫn còn bám chặt trên từng thớ thịt hồng, trông qua đã thấy ngon mắt.
Thịt trâu gác bếp 1
Giá một kg thịt trâu gác bếp dao động 650.000 - 750.000 đồng
Thú vị hơn cả là cảm giác khi thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.
Những người miền xuôi lần đầu nếm thử hẳn sẽ phải lắc đầu, nhăn mặt với vị cay của gia vị và độ mặn, hắc của món ăn.  Tuy nhiên, nếu đã phải lòng hương vị đậm chất núi rừng ấy, bạn sẽ muốn quay lại để thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Nếu có dịp đến các tỉnh Tây Bắc như Hòa BìnhSơn LaYên BáiLào Cai... du khách đừng quên thưởng thức và mua một ít đặc sản miền sơn cước về làm quà.

Theo Vnexpress

Món ăn lạ miệng từ trái bần

Trái bần khi còn xanh rất chát, nhưng khi chín tới thì mềm và cho nhiều nước chua chua. Đặc biệt là trái bần ổi, bên trong ruột khi chín ửng hồng, cho vị chua thanh mát. Từ lâu, người Nam Bộ đã biết chế biến những món ăn lạ miệng từ trái bần, tạo nét đặc trưng riêng của quê hương mình.
Cây bần vốn là loại cây rất đỗi quen thuộc của người dân vùng Nam Bộ bên dòng Mê Kông. Cây bần mọc dọc theo bờ sông, kênh, rạch. Trái bần chua chua, chát chát, trẻ con hay hái xuống chấm chút muối ớt ăn chơi như quà vặt. Người dân Nam Bộ ví trái bần như một loại trái chung tình, dù nghèo (bần hàn) nhưng sẻ chia, gắn bó với vùng đất và con người Nam Bộ từ rất lâu đời.
trái bần
Trái bần chua chua chát chát, trở thành một nguyên liệu chế biến món ăn độc đáo của người Nam Bộ
Trái bần có thể dùng để chế biến nhiều món ăn, nhưng ngon nhất là hai món canh chua trái bần và cá kho bần. Ngoài vị chua thanh và ngon, trái bần còn có tính hàn, ăn rất mát và giải nhiệt trong ngày hè nóng nực..
Cá kho bần thì dùng cá gì cũng ngon, nhưng cá lóc và cá bông lau là ngon miệng nhất. Vị béo và đậm đà của cá sau khi quyện vào các loại gia vị, thêm vào vị chua của bần thì sẽ càng ngon, ăn mãi không ngán, và rất hao cơm. Người ta thường đợi cá kho đến đậm rồi thì mới dầm trái bần lấy nước bỏ hạt rồi chắt vào nồi cá kho. Nếu thích đậm đà thì chắt với ít nước sôi. Nếu muốn có nhiều nước cá để ăn với bún thì cho nhiều nước sôi một chút.
 Món cá kho bần
 Món cá kho bần
Món canh chua bần thì chua vị chua rất thanh, khác hẳn vị chua gắt của trái me hay dấm chua. Trái bần chín dầm vào nước ấm ấm, cho ra nước, lọc bỏ hạt rồi trút vào nồi nước sôi rồi cho con cá còn tươi ngon vào, nêm nếm vừa ăn rồi thêm các loại rau dân dã như rau muống, rau nhút, cọng súng, cọng kèo nèo, bắp chuối bào sợi.. Bữa cơm trắng có cá kho, canh chua bần chua chua vừa miệng, ăn bao nhiêu cơm cũng không thấy no.
Món canh chua nấu với bần
Món canh chua nấu với bần

Người Nam bộ vốn sống cuộc đời dân dã, gắn bó với từng tấc đất, từng bụi cây ngọn cỏ con sông chảy qua trước nhà. Các loại cây trái dân dã xứ này tuy chua tuy chát, nhưng với tình yêu xứ sở, người Nam Bộ cũng có thể dùng để chế biến những món ăn ngon tuyệt vời rất riêng biệt không giống bất cứ nơi đâu. Ẩm thực Nam Bộ cũng vì thế mà trở nên đặc biệt, không những ngon miệng, lại còn chuyên chở tình yêu thương của quê hương xứ sở con người Nam Bộ vào trong mỗi món ăn.

Gà lên mâm có xuất xứ từ miền Trung

Có xuất xứ từ miền Trung, "Gà lên mâm" là một món ăn có tên gọi lạ, trình bày đẹp, ngon miệng, không ngán, được nhiều người Sài Gòn yêu thích.
Gà lên mâm từ lâu đã là đặc sản của người miền Trung. Nếu lần đầu tiên thưởng thức, hẳn bạn sẽ "ngất" trước một mâm gà khổng lồ với đủ món. Gà lên mâm thú vị ở chỗ không chỉ dành cho 1-2 người mà cho một nhóm người tụ tập, ăn uống lai rai, vui vẻ. 
Gà lên mâm khi vào đến Sài Gòn có biến đổi một chút hương vị, đẹp hơn trong cách trình bày với khay có chia ngăn riêng biệt, là sự kết hợp hài hòa bởi vị ngọt của thịt gà luộc, vị chua của gỏi, vị mặn của món xào và đậm đà của xôi được nấu từ nước dùng gà hoặc nước cốt dừa, tạo nên một bữa ăn vừa đủ, kết hợp hài hòa, ngon miệng, không có cảm giác ngán. 
Gà lên mâm
Một khay Gà lên mâm phổ biến ở các nhà hàng tại Sài Gòn
Gà lên mâm ngon phải được chế biến từ gà ta hoặc gà thả vườn. Gà luộc phải cho vào nồi từ khi nước còn lạnh mới có thể chín đều từ ngoài vào trong. Phần bụng gà hướng xuống dưới và đổ nước sao cho vừa ngập cả con gà. Để thử độ chín, khi dùng đũa chọc vào gà nếu đũa đâm xuyên dễ dàng, không ứa nước màu đỏ là đạt yêu cầu. Mỗi miếng gà khi sau chặt có độ mềm, dai, ngọt và béo ngậy, khi ăn mềm nhưng không bị bở, phần da vàng ươm. 
Phần gà đã luộc chặt miếng vừa ăn, một nửa còn lại dùng xé nhỏ trộn kèm hành tây, hành tím, rau răm, hoa chuối thái mỏng... thành món gỏi gà với vị chua ngọt nhè nhẹ. Nếu chưa vừa miệng, bạn có thể thêm một chút muối tiêu và chanh, tự tay trộn đều trước khi thưởng thức. Món gỏi ngon nhất là khi nhà hàng thực hiện cuối cùng, trước khi bưng ra cho thực khách để gỏi không bị nát. 
Phần lòng gà gồm trứng, mề, tiết... xào với nhiều hành lá, hành tây đậm đà nhưng không quá nhiều mỡ để không bị ngán. 
Xôi gà được nấu từ gạo nếp đã ngâm từ tối hôm trước, khoảng 8 đến 10 giờ đồng hồ. Khi ngâm, gạo được cho một ít nghệ để xôi có màu vàng đẹp. Nhiều nhà hàng cho thêm vài cọng lá dứa và một ít nước cốt dừa khi hấp để xôi thơm lừng và dẻo ngon. Khi ăn, kèm một chút mỡ và hành phi sẽ thật hoàn hảo. 
Món ăn với giá trung bình khoảng 300.000 đồng một mâm, phù hợp dành cho nhóm 3 hoặc 4 người. Bạn có thể thưởng thức món Gà lên mâm tại Sài Gòn ở An Nam quán 59 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, Mai Phai quán số 102A Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1.

Theo Ngôi sao

Phải lòng bánh cóng miền Tây

Chiếc bánh cóng tròn xinh, nóng hôi hổi, bao quanh là những loại rau xanh mơn mởn. Chén nước mắm đỏ au màu cà rốt đặt cạnh. Một bức tranh ẩm thực hài hòa sắc vị, háo hức chờ thực khách nếm thử.
Rất nhiều món bánh dân dã của miền Tây thường hội tụ đầy đủ sản vật của vùng sông nước như hạt gạo, tôm cá, rau trái… Nhưng tôi yêu bánh cóng nhất. Từ cách kết hợp nguyên liệu, chế biến, cách thưởng thức đều rất thú vị.
bánh cóng miền Tây
Có lẽ cũng cần nói qua về tên gọi ngộ nghĩnh này: bắt nguồn từ dụng cụ đổ bánh. Tên gọi không mỹ miều, lấy luôn tên cái cóng cho tiện, hồn hậu như tính cách người miền Tây. Chính xác là bánh cóng chứ không phải “bánh cống” như nhiều người vẫn gọi.
Thành phần cơ bản là bột gạo nhưng cách pha bột phải trải qua nhiều công đoạn, chiếc bánh ngon hay không là nhờ khâu này, đòi hỏi người làm bánh phải giàu kinh nghiệm.  Thêm đậu xanh và gia vị vào bột. Đậu xanh chỉ hấp cho chín tới, vừa nứt vỏ chứ không chín nhừ, sao cho khi bánh chín vẫn còn vị bùi bùi thơm thơm. Có nơi thêm khoai môn, nơi thêm củ sắn hoặc thịt heo bằm, trứng gà. Bột pha sền sệt chứ không loãng như bánh xèo, dùng hết trong ngày để tránh bị chua.
Chiếc cóng đổ bánh thường làm bằng nhôm, nhưng có nơi bằng inox, có nơi bằng tre, làm sao cho chiếc bánh cỡ nắm tay người lớn.
Chọn tôm tươi là một khâu quan trọng. Con tôm phải còn nguyên đầu và đuôi, thân tròn lẳn, lóng lánh. Tôm ươn thì chiếc bánh coi như bỏ. Khi bánh chín, vỏ tôm giòn rụm, cắn ngập răng thấy thật thơm, thật ngọt mới đạt.
bánh cóng miền Tây 1
Khi đổ bánh phải lắc khuôn sao cho lượng nhân và bột cân đối rồi đặt con tôm lên trên cùng. Đợi dầu sôi già, nhúng vào ngập khuôn, canh vài phút cho bánh chín vàng là vớt ra, tránh để lâu bánh bị ngấm dầu.
Trước khi chiên phải chuẩn bị rau, gồm xà lách, diếp cá, húng quế, cải bẹ, đọt xoài… Và không thể thiếu nước chấm. Pha nước mắm theo tỉ lệ thích hợp với đường hoặc nước dừa, khi ăn thì cho thêm cà rốt và củ cải thái sợi.
Cách thưởng thức cũng nhiều điều thú vị. Có người cắt bánh ra làm tư, cho vào chén với ít rau sống, rưới nước mắm lên. Có người lấy cải bẹ xanh làm lớp vỏ ngoài, cuốn với bánh và các loại rau khác rồi đẫm vào nước mắm.  Người khác thì dùng tay bẻ bánh ăn để thưởng thức hương vị nguyên thủy, hoặc trộn chung với bún trong tô lớn như chả giò.
Dẫu có là cách ăn nào thì cắn một miếng bánh cóng giòn rụm, nóng hổi vẫn cứ ngon tuyệt. Vị ngon ngọt của tôm tươi; vị bùi béo của bột gạo, đậu xanh, khoai môn; vị nhân nhẫn của cải, chát của đọt xoài, chua ngọt của nước mắm cứ du dương hài hòa vào nhau. Tôi yêu bánh cóng!

Hương vị cháo vịt miền Trung

Ở miền Trung, cháo vịt được bán quanh năm, nhiều nhất khi trời trở lạnh. Lúc này, những tiệmcháo vịt trở nên đông khách hơn. Hương thơm ngào ngạt cũng từ đây tỏa ra không khí, níu giữ bước chân người qua lại.
Điều khiến cháo vịt miền Trung trở nên đặc biệt là phần nguyên liệu và công thức chế biến khác lạ. Nguyên liệu nấu cháo sử dụng cả gạo nếp, gạo tẻ và đậu xanh trộn đều. Sau khi rang sơ, số nguyên liệu này được ninh nhừ trong nước luộc vịt để hương vị đậm đà hơn. Đặc biệt, phần nước luộc vịt trước đó đã được bỏ thêm một củ hành nướng và một chút gừng đập nhỏ nên thơm và ngọt hơn hẳn.
Các bộ phận như gan, mề, tiết, lòng được thái nhỏ sau đó nêm nếm gia vị rồi xào lăn. Khi tới chín được bỏ vô nồi cháo đang sôi, bốc khói nghi ngút rồi quấy đều để các thành phần quyện lại với nhau.
Cách làm nghe chừng đơn giản nhưng để có được nồi cháo ngon lại chẳng phải chuyện dễ dàng. Người nấu phải thật sự khéo léo để trông chừng nồi cháo không bị khê mà vẫn chín nhừ. Vì nếu khê cháo sẽ bị ám mùi, còn chưa nhừ sẽ để lại cảm giác sống sượng, khó ăn. Riêng vịt phải chọn con không quá béo, không quá gầy và không quá nhỏ để thịt được chắc và mềm sau khi luộc.
Cháo vịt 1
Mỗi một bát cháo vịt đều được cho thêm hành và hạt tiêu dậy mùi thơm quyến rũ
Cháo vịt được bán phổ biến nhưng không phải tiệm ăn nào cũng phục vụ giống nhau. Một số nơi sử dụng vịt chặt miếng xếp lên trên bát cháo. Đây là những miếng có độ dày vừa phải, mềm và không quá mỡ hay nạc. Đi kèm với đó là bát nước chấm pha từ mắm, gừng và ớt. Khi ăn, thực khách chỉ cần rưới nước chấm lên miếng thịt. Một số cửa hàng khác lại sử dụng thịt vịt xé nhỏ. Lúc này, bạn chỉ cần trộn đều phần thịt và cháo là có thể ăn ngon lành.
Vị mềm, dai của thịt vịt luộc chín tới cùng phần cháo ninh nhừ đậm đà khiến món món ăn này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Không chỉ vậy, giá mỗi bát ở đây khá rẻ, dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng.
Theo Vnexpress