Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

10 bảo tàng ẩm thực kỳ lạ nhất thế giới

Các loại rau củ như cà rốt, khoai tây hay mù tạt, thịt dăm bông và cả kim chi - món ăn truyền thống nổi tiếng Hàn Quốc đều có riêng bảo tàng để du khách khám phá.
Nhiều tín đồ ẩm thực hẳn sẽ khó lòng bỏ qua những địa điểm sau.
1. Bảo tàng dưa chuột bao tử, Đức
Nếu bạn muốn tìm hiểu mọi thứ về dưa chuột bao tử, hãy đến vùng Spreewald, cách thủ đô Berlin (Đức) 100 km về phía Đông Nam. Đây là bảo tàng duy nhất ở Đức trưng bày những hiện vật, tái hiện các công đoạn làm dưa chuột muối cũng như sự phát triển của nó trong đời sống dân vùng Spreewald xưa và nay.
Spreewald-imago58432050h-RET.jpg
Các hoạt động làm dưa chuột muối ở bảo tàng. Ảnh: Wordpress.
2. Bảo tàng cà rốt, Bỉ
Chưa có một bảo tàng nào trên thế giới được xây dựng để tôn vinh lịch sử, các kỹ thuật và nghiên cứu dân gian về một loại rau củ như The World Carrot. Bảo tàng này từng là trạm điện cũ có hình củ cà rốt với chiếc kim chỉ hướng gió trên đỉnh.
Trước khi tham quan, du khách nên đọc lưu ý mà bảo tàng đã đăng trên web: "Đừng mong đợi được xem một buổi triển lãm lớn và thú vị vì không có đội ngũ nhân viên, không có lối vào. Đây chỉ là cửa sổ nhỏ của một nhà máy".
3. Bảo tàng nấm, Pháp
Bảo tàng nấm ở xã Saumur, tỉnh Maine-et-Loire, miền tây nước Pháp, là địa chỉ đáng tin cậy cho người yêu thích, đồng thời muốn biết thêm về các loại nấm (đặc biệt là một số loại có thể sinh trưởng trong hang động). Đây cũng là nơi để bạn tìm hiểu những lưu ý cần thiết khi trồng nấm. 
4. Bảo tàng heo, Đức
Bảo tàng heo còn có tên Schweine, thực chất là một lò mổ cũ của thành phố Stuttgart, bang Baden-Württemberg nằm ở phía nam nước Đức. Schweine trưng bày 50.000 hiện vật liên quan đến heo, từ những con thú nhồi bông hay vật trang trí đến tranh ảnh và cả các dụng cụ giết mổ.
Germany-2013-206-web.jpg
Rất nhiều loại đồ chơi và trang trí làm theo hình các chú heo. Ảnh: Timetravelturtle.
5. Bảo tàng mù tạt, Mỹ
Bảo tàng mù tạt nằm bên đại lộ Hubbard, thị trấn Middleton, tiểu bang Wisconsin, miền Tây Trung nước Mỹ, là nơi có bộ sưu tập mù tạt lớn nhất thế giới vì hiện sở hữu 5.600 loại khác nhau. Từ lịch sử thú vị cho tới những lọ mù tạt bày la liệt mọi nơi, địa chỉ này đã trở thành một trong những bảo tàng gia vị nổi tiếng thế giới.
6. Bảo tàng khoai tây, Bỉ
Viện bảo tàng Friet đặt trong Saaihaile, tòa nhà lâu đời nhất ở thành phố Bruges (Bỉ) có từ thế kỷ 15. Tới đây, bạn sẽ được nghe kể về toàn bộ lịch sử loại thực vật này, từ nguồn gốc cho đến miếng khoai tây chiên đầu tiên. Ngoài ra bạn cũng có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập thú vị về các loại máy được sử dụng cho trồng trọt, thu hoạch, lột, phân loại và làm khoai tây chiên.
7. Bảo tàng bánh ngọt, Hungary
Bảo tàng bánh ngọt Marzipan (một loại bánh nhào với bột hạnh nhân rất thơm và ngọt) là nơi trưng bày các tác phẩm của Karoly Szabo và Matyas Szamos - hai nghệ nhân làm bánh nổi tiếng nhất Hungary. Với những người yêu thích đồ ngọt, đây là một thiên đường khi vừa được chiêm ngưỡng những chiếc bánh đẹp mắt, vừa có thể nhâm nhi cà phê và thưởng thức bánh. 
38654518.jpg
Bảo tàng bánh ngọt Marzipan, điểm đến lý tưởng cho những người thích đồ ngọt. Ảnh: Panoramio.
8. Bảo tàng kimchi, Hàn Quốc
Hơn 100.000 du khách đến thăm bảo tàng kim chi ở thủ đô Seoul mỗi năm để tìm hiểu về món ăn được xem là quốc hồn quốc túy của Hàn Quốc.Ngoài trưng bày một lượng lớn sách và các văn bản nghiên cứu về kim chi, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức lễ hội.
9. Bảo tàng thịt dăm bông, Mỹ
Bảo tàng SPAM ở thành phố Austin, bang Minnesota, Mỹ là nơi bạn sẽ có cơ hội học hỏi mọi thứ về dăm bông - loại thịt hộp được làm sẵn từ thịt vai heo xắt lát, muối, nước, đường và muối sodium nitrite. Tuy nhiên, SPAM hiện đóng cửa để xây mới, dự kiến hoạt động trở lại vào năm 2016.
10. Bảo tàng xúc xích, Đài Loan
Đây là nơi bạn có thể khám phá tất cả các sản phẩm của Black Bridge, nhãn hiệu xúc xích đầu tiên của Đài Loan. Bảo tàng được xây dựng để giới thiệu lịch sử và môi trường thịt tại địa phương. Nơi đây còn lưu trữ tài liệu giải thích sự khác biệt giữa xúc xích Đài Loan so với các nước khác trên thế giới. 
Hương Chi (theo Telegraph)

1 nhận xét: