Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Món ngon không thể bỏ qua khi đến Hà Nội

Phở, chả cá Lã Vọng, bún chả, bánh tôm Hồ Tây... đậm đà hương vị đất Bắc để lại dư âm khó quên cho thực khách khi thưởng thức ẩm thực giữa lòng Thủ đô.
Ẩm thực Hà Nội đa dạng về số lượng cũng như hương vị của từng món ăn. 
 
1. Phở: đây là món ăn truyền thống được coi là đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam, được xếp vào danh sách món ngon của thế giới. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo) cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng, kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... 
 
2. Chả cá Lã Vọng: là một trong số những món không thể thiếu trong danh sách này. Cá lăng tươi thường được chọn để chế biến do ít xương, ngọt thịt và thơm. Cá được lọc, nướng than trước khi rán lại trong chảo mỡ, khi ăn phải nóng và kèm với các loại khác như lạc, bún, rau thơm, bánh đa và một chút mắm tôm có pha tinh dầu cà cuống.
 
3. Bún chả Hà Nội: nhiều người sẽ nghĩ ngay tới món bún chả với loại mắm chấm "có thể uống được" mang vị mặn vừa đủ, lại chua ngọt thanh dịu. Chả thường được thái miếng, tẩm ướp rồi nướng trên than, vừa có màu hấp dẫn, vừa dậy mùi, dùng kèm với bún rối và rau thơm.
 
4. Vịt om sấu: một trong những món ngon mang hơi thở của miền Bắc. Thịt vịt được om chín mềm, ngấm ra nước đậm đà, ngầy ngậy, hòa quyện với vị chua thanh mát của quả sấu, thêm vài miếng khoai sọ để nước dùng thêm đặc sánh, khi ăn trộn với bún.
 
5. Ốc mít xào cay: được xem là một trong những món ăn hấp dẫn nhất trên đường phố của Hà Nội. Khi tiết thu về, các đôi nam thanh nữ tú thường rủ nhau đến các quán ven hồ để thưởng thức món ốc cay nông và tận hưởng cái khí se se lạnh rất riêng của miền Bắc.

 
6. Nem rán: thường dùng kèm với bún chả hoặc lẫn trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình người Việt. Nhiều người còn lựa chọn nem ốc Hồ Tây, cách chế biến tương tự như nem rán thông thường nhưng được thay bằng thịt ốc giúp món giòn hơn khi ăn.
 
7. Bún thang: món bún có cách chế biến cầu kỳ, ước tính tới 20 nguyên liệu để hoàn thành. Phần đặc biệt nhất trong món bún thang Hà Nội là tinh dầu cà cuống, chỉ cần một chút đầu tăm điểm vào bát bún sẽ dậy mùi thơm đặc trưng.
 
8. Bánh tôm Hồ Tây: đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến trong danh sách các món ngon Hà Nội. Thành phần chính của bánh là tôm nước ngọt (sinh sống ở Hồ Tây), được bọc bột rồi cho vào chảo ngập mỡ nóng già rán chín tới. Món ăn xuất hiện từ khoảng năm 1970-1980 khi có một cửa hàng quốc doanh nằm trên đường Thanh Niên bán, đến nay đã trở nên rất phổ biến.
 
9. Phở cuốn: cũng bánh phở, thịt và rau thơm nhưng phở cuốn ăn khô, chấm nước mắm pha nhạt. Bánh phở không thái thành sợi nhỏ mà để cả tấm, dùng để cuốn thịt và rau và đã trở thành một nét rất riêng của Hà Nội.
 
10. Canh cá Quỳnh Côi:món ăn có xuất xứ từ huyện Quỳnh Côi (cũ, nay là thị trấn Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình), được làm từ ba thành phần chính là bánh đa, cá và rau. Nay, món ăn này đã được cải tiến thêm hương vị mới tạo thành món ngon đặc trưng mà bất cứ ai đặt chân đến Thủ đô đều muốn thưởng thức.

 
11. Bánh dày giò: loại bánh truyền thống của dân tộc Việt, thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, thường ăn kẹp với giò hoặc chả.

 
12. Bánh cốm: làm từ cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Cốm được trộn nước theo tỷ lệ nhất định, đảo đều trên lửa, hoặc hấp chín trộn ít đường và nước hoa bưởi. Nhân bánh được làm từ đậu xanh hấp chín xay nhuyễn sau đó ngào đường và lại đun nhỏ lửa. Sau đó cho dừa nạo và mứt bí xắt hạt lựu hoặc mứt sen trước khi đem gói.
 
13. Chè hoa cau: hay còn gọi là chè táo xọn là một món ăn đặc trưng của người Hà Nội từ rất lâu. Món ăn mang tên này vì những hạt đậu xanh trông giống như hoa cau dù hương hoa bưởi được ướp vào đây mới là linh hồn của món ăn.
13 món ăn "đặc trưng nhất Hà Nội" đều tụ họp trong ngày hội ẩm thực Hương vị quê nhà, một sự kiện trước vòng sơ kết cuộc thi "Chiếc thìa vàng 2014" vừa diễn ra ở thủ đô ngày 24/9, do đầu bếp từ nhiều nhà hàng, khách sạn phía Bắc tái hiện lại nhằm tôn vinh và lưu giữ những hương vị truyền thống.
Vòng sơ kết  có 15 đội tham gia, trong đó 5 đội thắng cuộc (khách sạn Du Lịch Công Đoàn, nhà hàng Bạch Dương đạt giải nhất, khách sạn Hilton, Sun Way và nhà hàng Lục Thủy đạt giải nhì) sẽ vào vòng thi trong, diễn ra tháng 11 tới, trước khi tiếp chặng đường trở thành chủ nhân của giải thưởng "Chiếc thìa vàng 2014" trị giá một tỷ đồng ở vòng chung kết tổ chức tại Bình Dương vào tháng 12.
Theo ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh Long I, các món ăn của người Việt Nam luôn được đánh giá cao về hương vị cũng như sự bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe.
"Tuy nhiên, điểm yếu nhất của đồ ăn Việt là đa phần nơi bán chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và trình bày chưa đẹp. Do đó, thông qua cuộc thi, chúng tôi muốn tạo ra chuẩn mực mới cho ẩm thực nước nhà, cũng như giúp mọi người quan tâm hơn nữa tới thẩm mỹ của món ăn", ông Sáng chia sẻ
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét