Trong khi các nước Tây Á, Bắc Phi và Đông Nam châu Âu đều phục vụ cà phê tương tự như của Thổ Nhĩ Kỳ (cùng một phương pháp với bột cà phê, họ chỉ thêm tên gọi của vùng sản xuất) thì Bosnia-Hercegovina là một trong số ít các quốc gia đặt tên cà phê không đơn giản vì tự tôn dân tộc và nhằm tạo một nét riêng.
Nếu muốn nếm hương vị cà phê cùng người dân bản địa thì bạn hãy gọi một tách ở Nanina Kuhinja. Đây là một nhà hàng nằm gần quảng trường Bascarsija, thủ đô Sarajevo của Bosnia. Những khách quen ở đây sẽ cho bạn biết “cà phê Bosnia không hề giống cà phê Thổ Nhĩ Kỳ”, và sự khác biệt đó nằm ở chính quá trình pha chế.
Một góc phố của Sarajevo. Ảnh: Patrick Horton.
|
Cả hai loại cà phê đều cùng được rang lên tán nhỏ thành bột và nấu trong một chiếc ấm nhỏ có tay cầm gọi là džezva. Người Thổ Nhĩ Kỳ có cách nấu truyền thống là thêm vào ấm džezva một lượng đường tùy ý cùng nước lạnh trước khi đặt vào bếp. Còn khi pha cà phê Bosnia, nước lạnh được cho vào bếp trước, khi nước sôi thì rót một phần lưu ra ngoài. Cà phê lúc đó mới được cho vào ấm džezva và đặt lên lửa nhỏ trong vài giây để sôi trở lại đến khi nước tràn và tạo bọt. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần và lượng nước nóng lấy ra lúc trước được thêm vào ấm džezva.
Đối với những người sành sỏi chỉ cần vài phút là phát hiện ra điểm khác nhau khi uống. Công đoạn thêm nước nóng vào sau cùng của người Bosnia làm cho lớp bọt dày hơn và vị cà phê đậm hơn. Với những du khách lần đầu thử, khi nhìn vào cách phục vụ sẽ thấy được điểm khác giữa cà phê của Bosnia và của Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Thổ Nhĩ Kì thì ấm džezva đặt trong bếp, không mang ra bàn khách và cà phê được đựng trong một tách nhỏ. Còn ở Bosnia, cà phê được phục vụ bằng một khay kim loại có nguyên cả ấm džezva, cùng một tách gốm không, một ly nước trắng, một đĩa nhỏ đựng đường viên và một loại kẹo gọi là rahat lokum.
Khi bạn thưởng thức cà phê Bosnia thì hãy nhấp từng ngụm nhỏ trước. Dùng thìa vớt lớp bọt bên trên rồi khuấy cà phê trong ấm džezva (cà phê không có bọt thì không còn là cà phê Bosnia nữa). Nếu bạn là người thích uống ngọt thì không nên cho cả viên vào cà phê mà nên cắn một miếng nhỏ giữ trong miệng rồi hớp một ngụm cà phê. Cách uống này giúp bạn cảm nhận rõ rang hơn cả vị ngọt và đậm đà của cà phê Bosnia.
Cà phê Bosnia không phải cà phê Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Vladimir Dostalek
|
Có hai điểm thú vị khi phục vụ cà phê trong ấm džezva. Thứ nhất chính là cặn sẽ lắng lại (đây cũng là đặc điểm của cà phê Thổ Nhĩ Kỳ) ở đáy ấm chứ không phải ở tách. Điều thứ hai nằm ở lớp đồng được mạ trên ấm džezvas giữ cho cà phê nóng lâu hơn. Tách uống cà phê ở Bosnia là loại nhỏ nên lượng cà phê bạn uống ít hơn bình thường nhưng hương vị lại đậm đà hơn. Ngoài ra, người Bosnia có thói quen ngồi trò chuyện hàng giờ bên tách cà phê. Họ coi cà phê là thức uống của quốc gia, việc uống cà phê là một phong tục truyền thống đóng vai trò quan trọng trong các buổi tụ họp.
Đến Bosnia, du khách sẽ có phần ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh thanh niên nước này đang say sưa uống espresso ở các quán cà phê nằm trên những con phố cổ. Mặc dù họ thích thưởng thức cà phê của châu Âu hơn là cà phê Bosnia nhưng vẫn giữ nguyên cách uống chậm rãi và thong thả. Đặc biệt rất hiếm khi thấy họ vừa uống vừa dùng điện thoại di động. Họ chỉ đơn giản là ngồi trò chuyện và uống cà phê cùng bạn bè, tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt của cuộc sống.
Hương Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét