Chị Lê Thị Phượng (40 tuổi, bán nước ở bến phà Gót thuộc Cát Hải) chuyên làm món bánh độc đáo này cho biết: “Bánh sắn là truyền thống của gia đình tôi. Trước đây nhà nghèo không có gạo, toàn ăn sắn, ông tôi làm để ăn đỡ chán. Sau này tôi ra bến phà bán nước, làm thử bán cho khách thì được khen ngon”.
“Bánh chỉ bán từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm. Vì vậy, chỉ có ai đi chơi đảo Cát Bà mùa này thì ghé bến phà Gót để thưởng thức cho biết”, chị Phượng vừa làm bánh vừa nói.
Vỏ và nhân bánh đều được làm từ củ sắn (dân gian gọi là sắn bở). Sắn được làm sạch, tách vỏ, luộc chín rồi chia làm hai phần để làm vỏ và nhân. Vỏ bánh được giã nhuyễn hơn, đến độ mịn như bột mì và rất dẻo. Sau đó chị Phượng dùng vỏ chai nước ngọt cán mỏng vòng bánh ra. Vỏ bánh sau khi cán mỏng được thoa chút dầu ăn, cắt thành những miếng hình chữ nhật dài khoảng 20cm, rộng 10cm.
Nhân bánh giã vừa phải không nhuyễn như làm võ bánh rồi trộn thêm một ít đường trắng. Nhân bánh được vo thành những thanh hình trụ đặt vào vỏ bánh rồi cuộn tròn lại. Chỉ khoảng hơn 10 phút chị Phượng đã làm xong hơn chục cái bánh thơm phức. Chị Phượng cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 70 cái bánh sắn (20 nghìn một cái). Bánh để được khoảng hai ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh, bánh có thể ăn lúc đói, không bị say như ăn củ sắn luộc.
Độ dẻo của vỏ bánh, vị bùi bùi, ngọt ngọt của nhân bánh quyện với vị thơm đặc trưng của sắn khiến người thưởng thức cảm thấy ấm lòng trước cái lạnh tê tái nơi cửa biển. Và như thế, bánh sắn Cát Hải với sự đơn giản mà tinh tế dần dần trở thành một hương vị quen thuộc trên đường tới đảo Cát Bà vào những ngày đông.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét