Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Hè về, ghé Hải Phòng thưởng thức vị bánh đa cua

Đến Hải Phòng, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những sợi bánh đa đỏ nằm phơi mình dưới nắng như một lời mời gọi thực khách với món ăn dân giã: bánh đa cua.

Mùa hè, bánh đa cua Hải Phòng khéo léo gọi mời thực khách bằng màu xanh mát mắt của rau muống đầm xanh và giòn, còn mùa đông là vị ấm áp của cua đồng béo ngậy.
Hè về, ghé Hải Phòng thưởng thức vị bánh đa cua
Nhưng điều làm cho bánh đa cua đặc biệt lại chẳng phải rau muống, chả lá lốt, vị cua đồng hay hành phi - những thứ đâu đâu cũng có, mà lại chính là thứ bánh đa đỏ, đặc sản của Hải Phòng.
Bánh đa trong bát bánh đa cua Hải Phòng là loại bánh đa đỏ đặc trưng rất nổi tiếng: bánh đa Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng). Nhiều nơi ở Hải Phòng làm bánh đa sợi, nhưng có tiếng nhất phải là bánh đa khu Dư Hàng Kênh và bánh đa chợ Hỗ.
Bánh đa có màu nâu sậm, là loại bánh được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng tang, mềm và dai, có vị giòn và đậm, muốn ngon phải ngâm vào nước lã, rồi chần qua.
Làm bánh này phải nắm rất rõ và giữ bí quyết từ khâu ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh… để đảm bảo những mẻ bánh ra lò vừa ngon, vừa giòn, vừa dai, vừa quánh.
Nhiều người lo ngại, màu đỏ của bánh đa được tạo lên bởi một thức phẩm màu gì đó, nhưng không phải. Đó là màu của quả gấc được trộn với một thứ bột gạo sánh mịn dưới bàn tay của người thợ làm bánh đa Hải Phòng.
Hè về, ghé Hải Phòng thưởng thức vị bánh đa cua
Bánh đa nhúng thường là loại một nắng, một sương. Nếu làm trong đêm, người làm bánh phơi lên đón sương rồi mới đem phơi nắng. Nhưng khi làm bánh vào ban ngày thì cuối đêm họ mới thu vào.
Nói không ngoa chỉ có thứ bánh đa đỏ Hải Phòng mới có thể tạo ra bát canh bánh đa vừa mềm dèo lại không bị bở bục hay trương nhũn. Đó là bí quyết từ khâu chế nước xay gạo, điều chế lửa trong lò và cả khi tráng bánh đến cách phơi bánh đượm nắng, ngấm sương.
Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ năm màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô.
Ăn một đũa bánh đa cua cảm nhận cái mềm hơi dai của sợi bánh đa hòa với độ giòn sần sật của cọng rau nhút, rau muống, nét đậm đà của chả thịt, vị béo mềm của gạch cua cùng nước dùng ngọt nhẹ rất thanh.
Bánh đa cua ở Hải Phòng có hai loại: bánh đa cua bể và bánh đa cua đồng. Bánh đa cua bể có phần sang trọng hơn khi ngoài gạch cua, trong bát còn có thêm phần thịt cua bể trắng phau, xào quyện hành khô thơm phức. Nước dùng cũng được chế từ cua bể ninh, cùng xương heo hầm kĩ nên ngọt ngào,đậm đà vô cùng.
Nhưng bánh đa cua đồng có vẻ quen thuộc với số đông hơn cả. Cua đồng ngâm, khuấy nước đến khi nước trong mới đem bó vỏ mai và yếm. Rắc chút muốn lên phần thân và chân cua này, xóc cho ra đến hết nước đen và tanh là đem vào giã.
Bánh đa cua Hải Phòng ngon nhất là giã bằng chày gỗ, cối đá theo lối truyền thống. Dùng một que nhỏ khéo léo léo gẩy lấy phần gạch vàng ẩn tàng trong mai cua. Chỉ cần chút xíu gạch như thế này cũng đủ tạo nên sự “màu mỡ” hấp dẫn của nổi riêu.
Bánh đa cua, một món ăn bình dị dường như đã trở nên quá đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Hải Phòng, và trở thành một món quà sáng hấp dẫn, một món ăn chơi cho cả bữa trưa, bữa tối.
Chính cái màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon ấy đã níu chân thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức. Mùa hè, khi có dịp đến Hải Phòng thực khách đừng quên thưởng thức bánh đa cua để được chia sẻ dư vị, cảm xúc của người qua món ăn truyền thống nơi đất cảng này.

1 nhận xét: